Dự kiến hôm nay (11.4), UB Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) phối hợp với các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế của Chính phủ sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) để khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh của DN BĐS tại TPHCM nhằm đi sâu tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc của DN.
Khó khăn của thị trường BĐS TPHCM: Tiếng kêu đã có lời đáp
Doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Sau một thời gian dài “kêu cứu”, dường như tiếng kêu của các DN BĐS đang được đáp lại.


Nguy cơ phá sản hàng loạt


Chỉ tính từ 20.3.2012 đến nay, Horea đã gửi đi 3 bản kiến nghị cho các cơ quan ở trung ương và TPHCM liên quan đến những khó khăn của DN BĐS và hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Mật độ dày đặc của các bản kiến nghị cho thấy khó khăn nghiêm trọng của thị trường BĐS nói riêng và các DN BĐS nói chung. Horea cảnh báo, nếu những khó khăn hiện nay của DN không được tiếp sức, tháo gỡ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ phá sản hàng loạt.


Trước đó, theo thống kê của Horea tổng số nợ mà các DN BĐS đã niêm yết trên TTCK lên đến 200.000 tỉ đồng, trong khi quỹ tiền mặt mà các DN này đang nắm giữ chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng. Với “sức khỏe” tài chính như vậy, chỉ đủ cho các DN cầm cự thêm được vài tháng.


Cũng theo thống kê của Horea, hiện nay 60 -70% DN BĐS đang đắp chiếu, sản phẩm làm ra không bán được. Trong khi đó, theo số liệu của các Cty nghiên cứu thị trường BĐS tổng quỹ căn hộ tồn đọng lên đến trên 10.000 căn...


Những khó khăn của thị trường BĐS nói chung và các DN BĐS nói riêng giờ không còn là chuyện riêng của thị trường BĐS. Bởi theo nhận định của Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS TPHCM: “Thị trường BĐS ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, là nền tảng cho tăng trường kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, xây dựng xã hội thịnh vượng và là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô”. Một khi thị trường BĐS có vấn đề sẽ kéo theo sự đình đốn của hàng loạt các ngành khác như sản xuất sắt thép, ximăng... Đặc biệt, là hàng trăm ngàn lao động đang làm việc trong ngành BĐS.


Trong kiến nghị ngày 20.3 gửi cho Bộ Xây dựng, UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM, Horea cho biết: “Các DN BĐS đã nỗ lực tối đa để tự cứu mình để tồn tại với các giải pháp như tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, đình hoãn, dãn tiến độ thực hiện công trình, dự án; giảm giá bán căn hộ, thậm chí chấp nhận bán hòa vốn, bán lỗ... Tuy nhiên, nhìn chung nguồn lực của các DN BĐS bị sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết đều gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau, càng vay lớn nguy cơ vỡ nợ càng cao và có nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản”.


Tháo gỡ khó khăn cho DN


“Trước buổi làm việc với UBGSTCQG, ngày 5.4.2012, Horea đã có văn bản gửi một loạt các cơ quan của trung ương và TP, kiến nghị tháo gỡ thêm một số khó khăn, vướng mắc nhằm giúp DN BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.


Về nhóm giải pháp tài chính, Horea kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho giảm thuế TNDN từ 25 % xuống còn 18-20% và cho dãn tiến độ nộp thuế TNDN năm 2012 đến hết 31.12.2013. Kiến nghị giảm ngay lãi suất cho vay vì hiện DN vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 20%/năm - là một gánh nặng quá sức chịu đựng của DN...


Về nhóm giải pháp chính sách đất đai, Horea đề nghị xem lại một số vấn đề bất hợp lý. Chẳng hạn, mặt bằng giá bán BĐS ở Việt Nam cao so với khu vực do cơ cấu giá thành hiện nay bất hợp lý. Giá thành của BĐS VN hiện nay gồm chi phí bồi thương, thực chất là mua bán đất theo giá cơ chế thị trường, thiếu sự điều tiết của Nhà nước. Tiền sử dụng đất phải đóng cho ngân sách hiện nay quá cao chẳng khác gì DN phải mua đất thêm một lần nữa. Chi phí vốn cao, chủ yếu là do lãi quá cao. Thủ tục hành chính kéo dài làm tăng chi phí quản lý cũng như thời gian gánh lãi của DN.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.