28/01/2021 9:30 AM
CafeLand – Dù có nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung nhà ở có giá thấp (khoảng 25 triệu/m2) tại TP.HCM đã biến mất trên thị trường trong khoảng hai năm trở lại đây. Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 nếu nguồn cung mới tiếp tục bị tắc nghẽn bởi các vướng mắc pháp lý thì khả năng giá nhà còn tiếp tục tăng cao hơn.

Khảo sát thực tế hiện nay tại TP.HCM hầu như không còn bóng dáng của dự án căn hộ thương mại nào có giá bán tầm 25 triệu/m2 trở xuống như định nghĩa nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng đề xuất phát triển.

Thậm chí ở các thị trường lân cận như Dĩ An, Thuận An của Bình Dương hay Biên Hoà (Đồng Nai) một số dự án căn hộ ra mắt trong năm 2020 thì mức giá thấp nhất cũng dao động từ 30 – 35 triệu đồng/m2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sự khan hiếm nguồn cung dự án mới tại TP.HCM trong những năm gần đây đã đẩy giá bán nhà ở lên một cách chóng mặt. Trong năm 2021, nếu nguồn cung mới tiếp tục bị tắc nghẽn bởi các vướng mắc pháp lý thì khả năng giá nhà còn tiếp tục tăng cao hơn nữa là điều dễ hiểu.

Việc săn tìm quỹ đất ngày càng khó khăn và giá đất đắt đỏ buộc các doanh nghiệp vốn chủ yếu làm nhà ở bình dân trước đây buộc phải đẩy giá bán lên cao hơn nhiều so với trước đây. Chính những điều này đã khiến cho cán cân cung cầu ngày càng chênh lệch, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào phân khúc trung và cao cấp trong khi nhà ở giá thấp có nhu cầu lớn lại ngày càng khan hiếm.

Trong báo cáo tổng kết 5 năm (2016-2020), Bộ Xây dựng đã nhận định một số hạn chế, tồn tại của thị trường bất động sản. Trong đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra), nhà ở thương mại giá thấp ngày càng khan hiếm.

Bộ Xây dựng cũng đang dự thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về“Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp”, với một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng (bằng khoảng phân nửa mức chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội) và về thời hạn hoàn thành nộp tiền sử dụng đất dự án, để có thể có được sản phẩm căn hộ “nhà ở thương mại giá thấp” với mức giá khoảng tối đa không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m 2 tại đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 tại các tỉnh còn lại. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang trình “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” và “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” để bổ sung thêm nguồn cung nhà giá bình dân.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên có những giải pháp, chính sách để “buộc” các doanh nghiệp đổi hướng vào các phân khúc nhà ở giá thấp. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã từng có đề xuất “siết” nguồn cung dự án cao cấp mới để cân đối cung cầu.Tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng để cân đối cung cầu thì không nên dùng các biện pháp, quản lý hành chính cứng nhắc mà nên để cho thị trường tự quyết định. Việc lựa chọn phát triển sản phẩm cao cấp hay bình dân phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, không thể “ép” doanh nghiệp làm nhà ở giá thấp bởi mỗi doanh nghiệp đều định vị phân khúc phát triển rõ ràng. Thay vào đó nên có những chính sách, cơ chế thích hợp để tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp chủ động tham gia đầu tư.

  • Bộ Xây dựng đề xuất chính sách cho nhà giá rẻ

    Bộ Xây dựng đề xuất chính sách cho nhà giá rẻ

    CafeLand - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều 30/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết Bộ đang đề xuất chính sách cho nhà giá rẻ, dưới 45 m2 để giải quyết tình trạng giá nhà vượt khả năng chi trả của người dân.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.