04/05/2018 8:17 AM
Sở Xây dựng cho rằng quy định đã rất rõ ràng nhưng một số địa phương quá thận trọng nên lo ngại có vướng mắc nếu tổ chức tháo dỡ.

Công trình thể dục thể thao (TDTT) biến tướng thành nhà ở tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đang khiến dư luận thắc mắc vì ba năm chưa giải quyết xong (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 3-5). Dù cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công, xử phạt… nhưng tới nay công trình vẫn chưa bị tháo dỡ. Tình trạng trên không chỉ cá biệt ở quận Thủ Đức.

Xảy ra ở nhiều quận, huyện

Thửa đất số 525, tờ bản đồ số 7, phường Bình Thuận, quận 7 do ông Võ Ngọc Sơn làm chủ. Đây là khu đất nông nghiệp có diện tích gần 900 m2, nằm trong quy hoạch đất cây xanh nên không được phép xây dựng nhà ở. Năm 2015, chủ đầu tư khu đất được UBND quận 7 cấp phép làm công trình TDTT căn cứ theo quy định tại Quyết định 27/2014 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng (là văn bản có hiệu lực tại thời điểm đó - PV).

Tuy nhiên, chủ đầu tư không xây công trình TDTT mà xây… 16 căn nhà, mỗi căn có diện tích khoảng 30 m2 gồm một trệt, một lửng. Nhiều người đã mua và dọn vào ở từ năm 2016. Đến tháng 4-2017, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư 20 triệu đồng. Đồng thời buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm xây dựng với diện tích hơn 641 m2.

Tại quận 2, năm 2015, UBND quận cấp phép xây dựng tạm cho một khu đất mặt tiền phường Thảo Điền (là đất trồng cây lâu năm thuộc quy hoạch đường dự phóng và cầu nối sang bán đảo Thanh Đa) với diện tích hơn 28.400 m2 để làm sân bóng đá và công trình dịch vụ thể thao. Thế nhưng, theo thông tin rao trên mạng, khu đất này được một công ty kiến trúc xây dựng giới thiệu là khu văn phòng cao cấp cho thuê với 10 căn, một phần làm nông trại tham quan.

“Tình trạng xin phép xây công trình TDTT rồi biến tướng thành công trình khác, phổ biến là nhà trọ, nhà ở để bán còn xảy ra ở Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức…” - trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng, xác nhận.

Với công trình sai phạm tại khu phố 5, UBND phường Hiệp Bình Chánh không biết phải tháo dỡ kiểu gì, phần công trình nào để phù hợp nội dung của quyết định xử phạt. Ảnh: T.Thanh

Địa phương than vướng, Sở nói không

Việc cấp phép xây dựng tạm cho các công trình trên là đúng quy định. Tuy nhiên, đến khâu thực hiện lại bị chủ đầu tư lợi dụng biến tướng và các cơ quan chức năng lại cho rằng có khó khăn, vướng mắc khi cưỡng chế tháo dỡ. Vậy thực tế ra sao?

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, xác nhận phường là nơi chịu trách nhiệm triển khai việc cưỡng chế công trình vi phạm. “Tôi khẳng định phường rất quyết tâm và sốt ruột cưỡng chế tháo dỡ công trình tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh mà Pháp Luật TP.HCM đề cập” - ông Tú bày tỏ. Ông cũng thừa nhận việc cưỡng chế kéo dài khiến dư luận bức xúc, hoài nghi có sự bao che, đồng thời có thêm nhiều nạn nhân mua các căn nhà trái phép nên giải quyết càng khó khăn.

“Các cơ quan chức năng yêu cầu phường nhanh chóng triển khai việc cưỡng chế tháo dỡ theo quyết định xử lý vi phạm của Thanh tra Sở Xây dựng. Tuy nhiên, phường không biết phải thực hiện ra sao, tháo dỡ kiểu gì, phần công trình nào để phù hợp nội dung của quyết định xử phạt” - ông Tú phân trần.

Cụ thể, quyết định xử lý vi phạm của Thanh tra Sở Xây dựng nêu công trình “thi công sai kiến trúc mặt ngoài, sai kết cấu chịu lực chính như chia thành nhiều cửa, trổ chín cửa đi, ba cửa sổ, xây tường gạch với kết cấu bê tông cốt thép…”. Ông Tú cho rằng với nội dung này, phường rất khó khăn khi thực hiện vì không có quy định xử phạt việc bố trí bên trong nhà ở, vấn đề này tùy thuộc chủ đầu tư. Ông cũng cho biết phường đã nhiều lần gửi văn bản nhờ Thanh tra Sở Xây dựng hướng dẫn nhưng chưa nhận được phản hồi.

Không chỉ phường Hiệp Bình Chánh, UBND quận 7 cũng lúng túng khi xử lý công trình TDTT biến tướng thành nhà ở. Tháng 3-2018, UBND quận 7 đã tổ chức tháo dỡ phần xây dựng sai phép tại công trình ở phường Bình Thuận nêu trên. Tuy nhiên, quận cũng chỉ tháo dỡ sáu căn ngoài ranh được cấp phép công trình thể thao. Còn lại 10 căn nhà nằm trong ranh nhưng sai công năng, quận 7 cũng hỏi ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng hướng xử lý nhưng chưa được trả lời.

Ngày 3-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho hay trường hợp cụ thể ở phường Hiệp Bình Chánh do một phó chánh thanh tra khác phụ trách trực tiếp. Tuy nhiên, ông cho hay trên thực tế, một số trường hợp tương tự tại các quận, huyện khác vẫn xử lý vi phạm bình thường mà không có vướng mắc gì.

“Công trình thể thao bị biến tướng thành nhà ở là sai công năng. Vi phạm này sẽ phải tháo dỡ toàn bộ công trình. Tôi cho rằng quy định đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, một số địa phương quá thận trọng nên lo ngại có vướng mắc nếu tổ chức tháo dỡ” - ông Tùng nhận xét.

Được biết trong hôm nay (4-5), Thanh tra Sở Xây dựng sẽ có văn bản trả lời thắc mắc của UBND phường Hiệp Bình Chánh.

Quận, huyện phải có biện pháp quản lý

Chủ trương cho đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch đất ở được cấp phép xây dựng tạm công trình TDTT phục vụ cộng đồng là đúng đắn. Quy định này nhằm chống lãng phí đất đai, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị quy hoạch. Quyết định 27/2014 cũng trao cho địa phương quyền tự quyết định khi cấp phép công trình dạng này. Do đó địa phương phải có trách nhiệm quản lý.

Do chủ trương trên xuất phát từ thực tế nên không thể có quy định pháp luật cặn kẽ từng chi tiết. Chính vì thế Quyết định 27/2014 mới giao cho quận, huyện xem xét, quyết định có giải quyết hay không, quy mô thế nào, kể cả biện pháp quản lý kiểm soát hay xử lý khi vi phạm xảy ra. Khi cấp phép xây dựng tạm, quận, huyện hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đầu tư cam kết phải thực hiện đúng công năng, nếu không sẽ tháo dỡ.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn

Cẩm Tú (Pháp luật TP HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.