Đó là nhận định của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định mua bán bất động sản không được dùng tiền mặt.

Ông Võ cảnh báo, các cơ quan chức năng cần thận trọng trước khi đưa ra quy định này bởi nó có thể làm thị trường bất động sản mất tính thanh khoản trầm trọng hơn.

Sử dụng tiền mặt để thanh toán đã trở thành thói quen của đại bộ phận người dân

Chống thất thoát…

Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 161/2006/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt. Theo đánh giá của Ban soạn thảo, tuy Nghị định 161 đã có hiệu lực được 6 năm, nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống người dân vì chủ yếu áp dụng cho các khoản chi liên quan đến vốn nhà nước, ngân sách nhà nước. Dự thảo thay thế Nghị định 161 đã mở rộng phạm vi tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Theo đánh giá của NHNN, các giao dịch lớn từ trước đến nay thường được thanh toán bằng tiền mặt nhằm mục đích trốn thuế, không muốn minh bạch về giá trị tài sản. Việc sử dụng tiền mặt có giá trị lớn tạo mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, thất thu thuế và tham nhũng… Vì vậy, dự thảo Nghị định mới đã đưa ra các giao dịch mua - bán, chuyển nhượng bất động sản, sẽ không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải thanh toán qua ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của NHNN, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vào năm 2001 là 23,4%, tuy giảm đến 1 - 2%/năm vào những năm đầu, nhưng đã chững lại trong những năm gần đây. Năm 2008, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 14,6%, năm 2009 là 14,01% nhưng năm 2010 lại tăng lên 14,2%.

… cần cân nhắc thực tiễn

Là một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai và bất động sản, ông Võ cho rằng, thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam đang còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, thói quen tích cóp, dành dụm của người dân rất đa dạng, có thể bằng vàng, bằng tiền, hoặc ngoại tệ… Khi mua bán bất động sản, nhiều nơi trao đổi thẳng bằng vàng hoặc tiền. Họ chẳng mất một đồng phí dịch vụ nào khi chuyển tiền mà còn cảm thấy an tâm hơn với cách thức mua bán đó.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chưa tạo lập được niềm tin nơi người tiêu dùng khi họ chỉ thấy các hình ảnh phiền hà khi sử dụng dịch vụ ngân hàng như tắc nghẽn máy ATM, nuốt tiền, nuốt thẻ, tính phí… Nếu bây giờ phải thực hiện ngay quy định không dùng tiền mặt khi giao dịch mua bán bất động sản, chắc chắn sẽ gây ra không ít phản ứng trái chiều từ xã hội và sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao dịch trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ, Chủ tịch liên danh sàn giao dịch bất động sản G5, lại bày tỏ sự ủng hộ quy định này nhưng cần có lộ trình cụ thể. Ông Khánh cho biết, hiện khách giao dịch qua ngân hàng cũng chiếm đến khoảng 40%, nhưng các giao dịch này đa phần là những người có tài khoản ngân hàng và đã sử dụng thường xuyên.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ, Dự thảo nghị định lại quy định cho phép ngân hàng ban hành biểu phí dịch vụ liên quan đến tiền mặt. Chưa biết mức phí dịch vụ chính thức là bao nhiêu, nhưng hiện mức phí chuyển tiền ở khoảng 0 - 0,05% trên số tiền mặt được giao dịch. Theo ông Khánh, mức phí này chưa khuyến khích được người dân, doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng vì quá cao.

Ở một góc nhìn thực tế khác, ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh Quang, cho biết, các giao dịch mua - bán bất động sản được ủy quyền qua sàn giao dịch hiện nay đa số thực hiện bằng tiền mặt bởi người mua thường nộp phí tại sàn, sau đó được dẫn lên ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, nộp tiền luôn và không mất đồng phí chuyển tiền nào. Nay nếu phải thông qua ngân hàng, khách hàng sẽ phải đi lại nhiều lần với các thủ tục ngân hàng...

Cũng theo ông Giang, trong trường hợp mua bán thông qua công chứng thì cả người mua, người bán cùng ra cơ quan công chứng, vừa ký hợp đồng mua bán xong là chuyển tiền cho nhau ngay. Việc này sẽ tránh được phiền hà khi một trong hai bên không thật sự tin tưởng nhau. Trường hợp này nếu phải qua ngân hàng sẽ không thể thực hiện được vì không bên nào chịu thực hiện việc của mình trước, hay nói một cách nôm na là phải tiến hành mua bán kiểu “tiền trao cháo múc”.

Với những vướng mắc như trên, ông Giang kiến nghị, trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm giải pháp để gỡ khó cho thị trường bất động sản thì Ban soạn thảo cần cân nhắc trước khi đưa ra những quy định có thể làm trầm trọng thêm sự “đóng băng” của thị trường này.

Minh Nhật (Đầu Tư Chứng Khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.