Theo trình bày của ông Võ Văn Tám, ông phải thi hành quyết định của TAND huyện trả nợ cho một chi nhánh ngân hàng hơn 400 triệu đồng. Sau đó, THA huyện đã cưỡng chế kê biên nhà đất của ông. Giữa năm 2010, THA huyện ủy quyền cho Trung tâm Bán đấu giá tài sản tỉnh Đồng Nai định giá và bán đấu giá tài sản trên.
Tuy nhiên, theo ông Tám, các cơ quan đã tự định giá tài sản mà không hề thông báo cho ông biết. Tiếp đó, trước khi bán đấu giá tài sản, Trung tâm Bán đấu giá cũng không đá động gì đến ông, chờ cho xong việc thì mới cho ông hay. Bởi quyết định bán đấu giá ký ngày 9-9-2010 nhưng theo dấu bưu điện mãi đến ngày 2-12-2010, trung tâm mới gửi cho ông (ngày 3-12, ông nhận được). Trong khi thực tế tài sản đã được trung tâm bán xong cho người khác vào ngày 27-10-2010 và người mua đã nộp tiền đầy đủ cho THA (có văn bản mua tài sản). Cho nên khi vừa nhận được thông báo bán đấu giá thì ông lại nhận được ngay thông báo buộc giao tài sản cho người mua… Từ đó, ông yêu cầu hủy kết quả định giá và bán đấu giá tài sản nói trên để tổ chức lại vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
Theo một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM, khiếu nại của ông Tám bước đầu có cơ sở vì Điều 98 Luật THA Dân sự quy định chỉ khi đương sự không thỏa thuận được về giá và tổ chức thẩm định giá thì chấp hành viên mới được ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá. Cạnh đó khoản 1 Điều 28 Nghị định 27 ngày 4-3-2010 của Chính phủ quy định: “Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá”. Ở đây, ông Tám không biết và không được cơ quan liên quan thông báo việc định giá, bán đấu giá nên ông có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình...