CafeLand - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016 và Nghị quyết số 63/2018 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vẫn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo báo cáo, hiện nay lĩnh vực đất đai đang gặp phải một số vấn đề bất cập gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

Cụ thể, đất đai hiện được điều chỉnh trong các luật khác nhau như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

“Việc có nhiều luật có nội dung điều chỉnh đến đối tượng đất đai đã gây ra tình trạng không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, gây ách tắc và cản trở cho quá trình tổ chức thi hành trên thực tế, đặc biệt là việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư”, báo cáo của Bộ TN&MT nêu.

Bên cạnh đó, việc dự báo, xác định nhu cầu đất đai trong các quy hoạch chưa theo sát với nhu cầu và nguồn vốn đầu tư. Đầu tư cho xây dựng cơ sở dữ liệt về đất đai, lập hồ sơ địa chính đối với đất của các nông, lâm trường chưa được quan tâm đầy đủ, nhiều địa phương chưa thực hiện trích nguồn thu từ đất cho triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận hiện đạt 97% nhưng diện tích còn lại cần cấp nhiều trường hợp có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất (lấn, chiếm, giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích sử dụng…), mua bán chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/1/2008 trở lại đây.

Tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn còn phổ biến. Ảnh minh hoạ

Theo quy định của pháp luật đất đai, việc cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân. Do đó, nhiều trường hợp người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nhưng lại không có khả năng nộp hoặc không có nhu cầu ghi nợ nghĩa vụ tài chính trên giấy chứng nhận nên trường hợp người sử dụng đất không tự nguyện hoặc không có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận thì việc đẩy mạnh kết quả cấp giấy là rất khó khăn.

Một vấn đề đáng chú ý nữa, theo Bộ TN&MT, là vừa qua, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn chiếm số lượng lớn, chủ yếu là các việc tồn đọng kéo dài từ giai đoạn trước đòi lại đất cũ, khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bộ TN&MT cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thay đổi qua nhiều thời kỳ, dẫn đến so bì, khiếu kiện phức tạp, một số trường hợp không đủ hồ sơ pháp lý…

Liên quan đến việc định giá đất theo cơ chế thị trường, hiện nay việc này đã được quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, việc kê khai giá đất của các giao dịch về quyền sử dụng đất chưa đúng với thực tế, chính xác, tin cậy; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá đất phản ánh đúng diễn biến thị trường.

Một số địa phương giữ giá đất thấp để thu hút đầu tư và tránh tác động đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan…

Ngoài ra, tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ đất đai vẫn còn xảy ra gây lãng phí đất đai, nhưng chậm được xử lý do các địa phương lo ngại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ TN&MT, là pháp luật đất đai trước đây chưa quy định điều kiện về năng lực của nhà đầu tư nên dẫn đến một số nhà đầu tư kém năng lực đầu cơ. Một số địa phương thực hiện chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư nên đã chưa thực hiện tốt việc đánh giá năng lực theo quy định của pháp luật và yêu cầu ký quỹ khi thực hiện dự án.

Mặt khác, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất sau khi giao đất, cho thuê đất ở các địa phương thời gian qua còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi còn thiếu cương quyết, dứt điểm, thiếu quy định hiệu quả để xử lý tình trạng đầu cơ đất đai…

Trước các vấn đề nêu trên, Bộ TN&MT đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai. Đặc biệt, để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, bộ này đã xây dựng và sẽ trình Chính phủ trong năm 2019 ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ này cũng đang nghiên cứu đề xuất để hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Bên cạnh đó, bộ TN&MT cũng nghiên cứu bổ sung các quy định để thiết lập cơ sở dữ liệu giá đất thị trường, nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như condotel, officetel, shop house.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án; rà soát và công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định đối với những dự án không đưa đất vào sửu dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư, sử dụng đất sai mục đích; kiểm soát chặt chẽ, công khai và minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi.

  • Mất chìa khóa giải quyết khiếu nại

    Mất chìa khóa giải quyết khiếu nại

    Mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân khu đô thị Thủ Thiêm (KĐT TT) trong quý 2/2018 mà hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 16 diễn ra vào trung tuần tháng 4 đặt ra khó hoàn thành. Nhất là khi tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 kèm theo Quyết định số 367 của Thủ tướng vốn là chìa khóa giải quyết khiếu nại vẫn chưa tìm thấy.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.