Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ vẫn thiếu. Đây chính là nguyên nhân và cũng là kẽ hở để cho chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) và các sàn giao dịch bắt tay nhau làm giá. Thông qua sàn BĐS, người dân tưởng như mua được nhà giá rẻ nhưng chẳng hề rẻ chút nào. Các chủ sàn BĐS thu lợi nhiều hơn từ khách hàng.
Nguồn cung nhà ở xã hội có diện tích nhỏ thiếu là nguyên nhân để chủ đầu tư và các sàn giao dịch bắt tay nhau làm giá. Ảnh: Minh Lý
Giá nhà thực tế vượt xa giá gốc?
Cách đây nửa năm, các dự án nhà ở có mức giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2 khi bung hàng đều gây ra những cơn chấn động thị trường. Thế nhưng, tình hình gần đây đã đảo ngược. Những dự án có giá dưới 14 triệu đồng/m2 ào ạt mở bán cũng không đủ sức khơi thông tâm lý mua nhà trong dân, không đủ sức phá băng bất động sản. Nguyên nhân do đâu? Đương nhiên không phải vì người dân đã hết nhu cầu mua nhà mà các dự án nhà ở có giá trung bình 12 -14 triệu đồng/m2 này muốn mua được đều phải qua các sàn giao dịch BĐS. Tức là, người dân tiếp tục phải thêm phụ phí, chênh lệch cho sàn, cộng tiền gốc phải trả cho chủ đầu tư, với tiền chi thêm cho sàn giao dịch, mỗi m2 nhà ở này vượt lên ngưỡng 16- 18 triệu đồng/m2 - Đây là mức giá không hề thấp.
Theo tìm hiểu, các sàn BĐS vừa săn người mua nhưng cũng vừa săn người bán có giá chênh thấp để nhập hàng. Các chủ đầu tư sẽ công bố giá bán dự án dưới 15 triệu/m2 để hưởng ưu đãi lãi suất 6% từ Bộ Xây dựng, sau đó sẽ "làm giá” với các nhà phân phối. Các sàn giao dịch bắt buộc phải chi thêm 1 khoản tiền chênh so với giá gốc. Việc làm giá ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố gói kích cầu 30.000 tỷ ưu đãi lãi suất 6%.Theo đó, các dự án nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng sẽ có cửa lớn để vay được vốn ưu đãi từ NHNN, nên các chủ đầu tư lách luật để trục lợi.
Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, có nghe những thông tin vừa nêu và hiện đang cho kiểm tra. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30 nghìn tỷ để làm lợi cho cá nhân hay bất kỳ một bộ phận nào. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu họ không làm đúng thì không chỉ Bộ Xây dựng xử lý mà các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc.
Tập trung tăng cung
Tại cuộc họp báo về kết quả 2 tháng triển khai chương trình cho vay vhỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ tổ chức chiều ngày (16-8), lãnh đạo của Bộ Xây dựng cũng đề nghị tăng nguồn cung để khách hàng có sản phẩm để lựa chọn, từ đó có căn cứ vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) việc triển khai trong thời gian đầu chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội do lần đầu tiên triển khai một chương trình tín dụng ưu đãi dài hơi nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. NHNN và Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ và đã xử lý một số những vướng mắc trong quá trình triển khai như: Về xác định đối tượng thu nhập thấp, xác nhận thực trạng nhà ở…
NHNN cho biết, việc đầu tư là tự nguyện của DN, mức lợi nhuận tối đa là 10% thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại, song DN xây nhà ở xã hội lại được hỗ trợ giảm các khoản tiền thuế sử dụng đất. Trước khi có Nghị quyết 02, ít DN thực hiện nhà ở xã hội, vay vốn của họ cũng khó khăn nên nguồn cung đến nay vẫn thiếu. Mặt khác, dù ít ỏi nhưng một số dự án thực hiện trước khi Nghị quyết 02 có hiệu lực lại không đủ tiêu chí vay vốn, vì các hợp đồng mua nhà được ký trước 1-7-2013. Có thể điểm danh các dự án nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện vay vốn như Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm (Hà Đông-Hà Nội)... Bộ Xây dựng cho biết đã báo cáo ban chỉ đạo đề nghị tăng nguồn cung để khách hàng có sản phẩm lựa chọn, từ đó có căn cứ vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng. Việc tăng nguồn cung Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích nhỏ. Quy trình qua nhiều bước như điều chỉnh quy hoạch, thiết kế cơ sở... theo quy định về xây dựng.
Thúy Hằng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.