Cafeland - Đường Vành đai 3 và 4 sẽ được triển khai xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 3

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai xây dựng vành đai 3 và 4 TP.HCM theo phương thức PPP.

Theo nhận định của Phó Thủ tướng, việc tổ chức triển khai hai tuyến vành đai là rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM. Trong khi, hai tuyến này đóng vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ, việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và khu vực...

Theo quyết định quy hoạch của Thủ tướng, UBND các tỉnh, TP có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Nhưng đến nay vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km, vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km.

Trước đó, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP.

Căn cứ vào chủ trương này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP. Phấn đấu hoàn thành 2 tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo tìm hiểu Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là 60.024 tỷ đồng.

Đường vành đai 4 có chiều dài gần 198 km (đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đư vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Việt Phi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.