Một đoạn đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây Bắc) hầu như đã không còn rừng phòng hộ che chắn. Ảnh minh họa: Huỳnh Anh/TTXVN
Văn bản trên được UBND tỉnh ban hành nhằm mục đích chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời tiếp tục rà soát, giải trình, báo cáo làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề mà cơ quan kiểm toán đã chỉ ra.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với mục tiêu, yêu cầu là bảo đảm chất lượng công trình, không để thất thoát ngân sách Nhà nước; xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan một cách nghiêm túc, đúng quy định và điều kiện cụ thể.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã khẳng định rõ quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong việc kiên quyết chỉ đạo xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có những sai phạm liên quan đến Kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nếu nguyên nhân sai phạm được phát hiện đến từ việc chủ quan, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm thì sẽ yêu cầu xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cũng chia sẻ, Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau về phương án tuyến hầu hết là theo tuyến của đê quốc phòng được hình thành từ trước và được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, đến nay gần 10 năm. Trong thời gian này, nhiều chính sách, quy định pháp luật thay đổi nhưng các đơn vị liên quan chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp; công tác quản lý còn có mặt hạn chế, yếu kém.
Thêm nữa, diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, phức tạp cũng tác động tiêu cực đã làm thay đổi hiện trạng công trình, rừng phòng hộ bảo vệ đê ở nhiều đoạn bị xói lở. Công trình đê biển được triển khai trên nhiều địa bàn có tính đặc thù như qua vùng ngọt hóa, nền đất yếu, nâng cấp trên mặt đê cũ trước đây.
Trước đó, ngày 28/7/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước có Công văn số 161/KTNN-TH về việc gửi Báo cáo kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Nội dung kết luận của Kiểm toán đã chỉ ra các sai sót liên quan đến một số vấn đề như: Thiết kế một số hạng mục chưa đảm bảo theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng; thẩm định điều chỉnh dự án chưa đúng thẩm quyền; về thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh toán và công tác quản lý chi phí đầu tư có việc chưa đảm bảo theo quy định… Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tỉnh Cà Mau xử lí, khắc phục tài chính tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng; trong đó thu hồi, giảm thanh toán với số tiền là khoảng 88,7 tỷ đồng...
Như TTXVN đã đưa tin, thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (Chương trình 667), UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án nâng cấp đê biển Tây lần đầu tại Quyết định đầu tư số 1643/QĐ-UBND ngày 27/10/2010 với tổng mức đầu tư gần 922 tỷ đồng. Quy mô dự án đê biển có chiều dài 108 km, cao trình đê +3m, đảm bảo tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều. Công trình không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng của cư dân ven biển mà còn có tác dụng ngăn mặn bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
-
Xử lý trách nhiệm trong sai phạm tại dự án nâng cấp đê biển Tây ở Cà Mau
Chiều 7/9, UBND tỉnh Cà Mau thông tin một số vấn đề liên quan đến sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây ở Cà Mau.
-
Điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Cà Mau từ 30/10/2024
Từ ngày 30/10/2024, quy định về diện tích tách thửa đất ở tại Cà Mau thực hiện theo Quyết định 48/2024/QĐ-UBND do UBND tỉnh Cà Mau ban hành.
-
Bộ GTVT thông tin về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp công trình giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang...
-
2.400 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau
Sân bay Cà Mau sẽ được nâng cấp, mở rộng đảm bảo khai thác các chuyến bay A320, A321 và tương đương. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng.