Với lượng công nhân lớn, nhu cầu nhà ở luôn cao, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang bỏ trống thị trường này.

Nhu cầu lớn…

Vợ chồng chị Phạm Thị Lãi, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, 10 năm trước vợ chồng chị rời quê Thanh Hóa vào đây làm công nhân. Khi vào cả hai vợ chồng vừa mới cưới, giờ anh chị đã có 2 đứa con và đang học cấp I, nhưng vợ chồng anh chị vẫn ở nhà trọ, dù thu nhập cả 2 vợ chồng trên 15 triệu đồng/tháng.

Lý do theo chị Lãi, vì ở quanh khu công nghiệp, dự án nhà cho công nhân rất hiếm. Còn mua nhà dân hiện hữu, hoặc mua đất xây nhà thì giá rất cao và rất khó mua, bởi phải có ngay một số tiền rất lớn, vượt quá khả năng của anh chị. Nếu mua nhà dự án, anh chị có thể mua được nhà rẻ và được vay trả góp.

“Chúng tôi muốn ở đây lập nghiệp, muốn thế phải có nhà ở để có hộ khẩu cho con cái học hành đàng hoàng. Thêm vào đó, không thể cứ mãi bắt các con ở nhà trọ chật hẹp như hiện nay, vì tụi nhỏ ngày càng lớn. Thế nhưng, dù tích cóp được vài trăm triệu trong tay mà vẫn chưa thể kiếm được dự án nhà ở cho công nhân để mua, bởi họ xây khu công nghiệp nhưng đâu có xây nhà cho công nhân mua đâu”, chị Lãi nói.

Được biết, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện có 3 khu công nghiệp lớn là Đức Hòa I, II, III và hàng chục cụm công nghiệp với diện tích khoảng 18.000 ha, tập trung hơn 40.000 công nhân đến từ các tỉnh trên khắp cả nước. Theo thống kê của UBND huyện Đức Hòa, số lượng công nhân này đa phần đang ở nhà thuê tại các khu nhà trọ và với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, số lượng công nhân này có nhu cầu mua nhà ở định cư để ổn định công việc là rất lớn.

Không chỉ huyện Đức Hòa, các huyện Cần Đước, Bến Lức… cũng đang có lượng khu công nghiệp và cụm công nghiệp với hàng trăm ngàn công nhân làm việc. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, hiện nay, lượng nhà ở đáp ứng cho đối tượng này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.

Tại tỉnh Bình Dương, tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất phía Nam hiện nay và được xem là tỉnh khá thành công trong việc triển khai nhà ở công nhân, nhưng so với nhu cầu, số lượng nhà ở công nhân tại đây vẫn không thấm vào đâu.

Cụ thể, hiện Bình Dương có 48 khu và cụm công nghiệp, tập trung hàng triệu công nhân đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, đa phần các công nhân này đã có gia đình và đang sống ở các khu nhà trọ.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, lượng nhà ở cho công nhân chỉ là khu nhà ở xã hội Becamex tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Theo kế hoạch, từ năm 2015, tỉnh Bình Dương phải thực hiện 37 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích 220 ha, cung cấp 64.000 căn hộ có diện tích 30 m2. Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch này chưa thực hiện được dù nhu cầu nhà ở công nhân đang ngày một tăng cao và là áp lực lớn cho tỉnh.

Tương tự, tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp cũng rất lớn, bởi cả hai tỉnh này đang có hàng chục khu, cụm công nghiệp với hàng triệu công nhân. Trong đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, lượng dân có hộ khẩu tại tỉnh này chỉ chiếm 1/3 số lượng công nhân đang làm việc tại tỉnh.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện các sản phẩm nhà ở cho công nhân đa phần vẫn bó hẹp ở các dự án nhà ở tái định cư tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, dù khu công nghiệp có diện tích hàng trăm héc-ta, nhưng diện tích đất tái định cư dành cho công nhân lại chỉ vỏn vẹn hơn 10 ha và dòng sản phẩm chỉ là đất phân lô. Hiếm hoi như tại tỉnh Bình Dương mới có nhà ở chung cư thấp tầng với diện tích nhỏ.

… nhưng cung khan hiếm

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An cho biết, từ năm 2010 tới nay, doanh nghiệp ông đã thực hiện 7 dự án nhà ở cho công nhân quanh các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Long An.

“Nhu cầu mua đất xây nhà của công nhân khu công nghiệp thực sự lớn khi các sản phẩm mở bán ra chỉ trong vòng 1 - 2 tháng đã bán hết. Tuy nhiên, một điều thiệt thòi của công nhân là hiện đa phần các sản phẩm cho công nhân thường là dự án phân lô và không có tiện ích. Lý do các chủ đầu tư không đưa tiện ích vào dự án vì kinh phí cao, trong khi giá nhà tại khu vực công nhân thấp”, ông Vinh nói.

Năm 2016, Trần Anh Long An “phá rào” làm nhà ở giá rẻ cho công nhân với đầy đủ tiện ích như hồ bơi, công viên, khu vui chơi mua sắm. Tới cuối năm 2018, khi bàn giao nhà, ngay lập tức công nhân về đây ở kín các tòa nhà chung cư. Tiếp đà, ông Vinh cho biết, vừa mua thêm một khu đất lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III để triển khai dự án nhà ở cho công nhân.

Theo giới phân tích, hiện nay, dòng sản phẩm bất động sản quanh khu công nghiệp dành cho công nhân vẫn chưa được các địa phương và doanh nghiệp chú ý nhiều do vấn đề quỹ đất và ngân sách. Trong khi đó, chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phân khúc này cũng không đủ hấp dẫn doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân vẫn bị áp thuế đất như dự án nhà ở thương mại.

Hơn nữa, quan điểm không đồng nhất giữa các sở cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc phát triển dự án nhà ở xã hội. Chẳng hạn, Sở Xây dựng không yêu cầu phải xây nhà máy xử lý nước thải khi cư dân chưa về ở, nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường lại yêu cầu có mới phê duyệt chấp thuận cấp sổ đỏ…

Trong khi nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang khan hiếm, thì tại một số địa phương, vẫn xảy ra tình trạng để doanh nghiệp “ôm” các khu đất nhà ở dành cho công nhân các khu công nghiệp, nhưng không triển khai nhiều năm trời. Đơn cử, tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hình thành cả chục năm nay và đã có quy hoạch khu nhà ở tái định cư cho công nhân rộng hơn 14 ha. Tuy nhiên, chủ đầu tư để dự án treo hàng năm trời không thực hiện và hiện đang chào bán lại cho chủ đầu tư khác để làm dự án nhà ở thương mại.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho rằng, thị trường hiện nay đang chạy theo thương mại hóa, các doanh nghiệp đa phần chú trọng phát triển các dự án thương mại, vì các dự án này mới mang lại lợi nhuận cao hơn nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ.

Tuy nhiên, nếu biết tính toán, doanh nghiệp phát triển nhà ở công nhân vẫn có lợi nhuận lớn, bởi thực tế, các dự án nhà ở công nhân phải đầu tư ít hạ tầng, tiện ích. Thủ tục thực hiện cũng không mất thời gian đợi lâu như nhà ở thương mại và vốn thu hồi lại nhanh, lượng hàng tiêu thụ tốt.

Cũng theo ông Hậu, hiện nếu rà soát các dự án nhà ở cho công nhân tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhất như tỉnh Long An cũng chỉ có hơn 10 dự án nhà ở với mục đích phát triển và bán cho công nhân các khu công nghiệp, đa phần các dự án triển khai hiện nay đều nhắm tới đối tượng đầu tư kiếm lời chứ không nhắm tới công nhân có nhu cầu ở thực.

Gia Huy (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.