Thế nhưng, theo lời ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.
Những con số biết nói
Covid-19 đã phủ bóng đen lên nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đánh giá của Vietnamrepost, trải qua 10 tháng đầu năm 2021, các cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra đã chuyển biến ngày càng sâu sắc hơn. Ngoài sự sụt giảm về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thị trường còn chứng kiến sự đứt gãy của chuỗi giá trị và suy giảm niềm tin trong tâm lý người tiêu dùng. Một số lĩnh vực đã bị “bào mòn” về lợi nhuận.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Nhận xét về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn biến phức tạp đã để lại hậu quả tương đối nặng nề cả về vật chất và tinh thần cho toàn bộ nền kinh tế.
Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP tương đối cao. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tái phát dịch vào cuối tháng 4, một số tỉnh thành phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã khiến GDP sụt giảm đáng kể. Trong quý 3-2021, GDP giảm đến 6,17%.
“Chúng ta hy vọng sự phát triển của năm 2022 sẽ ổn định và tốt hơn, với sự tháo gỡ về cơ chế chính sách cũng như đổi mới về cách thức quản lý phòng chống dịch bệnh. Trong bối cảnh thích ứng với tình hình mới, nền kinh tế có thể yên tâm để hồi phục và phát triển trong năm tới”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Từ tháng 10 trở đi, khi Chính phủ xác định cuộc chiến với dịch bệnh còn kéo dài, phải sống chung với dịch, nền kinh tế bắt đầu hồi phục nhưng còn tương đối chậm.
Tuy vậy, theo ông Thịnh, các mục tiêu của nền kinh tế trong năm 2021 cơ bản ổn định, như lạm phát 2% là con số rất thấp so với nhiều năm trước. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài, nợ công và các yêu tố vĩ mô vẫn trong tầm kiểm soát, đặc biệt xuất nhập khẩu tương đối tốt, mức độ tăng trưởng gần 20% trong 2021.
“Những điều này chứng tỏ kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Đây sẽ một trong những nhân tố giúp cho hoạt động đầu tư trở nên sôi động hơn trong thời gian qua, đồng thời là cơ hội cho sự phát triển của năm 2022”, ông Thịnh lạc quan.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong một năm qua nhìn chung vẫn còn thấp so với mong muốn đặt ra.
Kỳ vọng một năm mới tươi sáng
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm qua vẫn có cơ hội nhưng đi kèm biến số. Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua bị ảnh hưởng, suy yếu không phải bởi yếu kém trong quản lý, điều hành mà do bị hạn chế bởi các lệnh giãn cách, để phòng, chống dịch.
“Do đó, nếu phục hồi được các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng lấy lại tốc độ tăng trưởng của năm 2019”, ông Hiển cho biết.
TS. Đinh Thế Hiển
Dẫn ví dụ từ thế giới, ông Hiển cho rằng nền kinh tế năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2020 – 2021. Bởi 2020 là năm thế giới bị tác động xấu nhất, khi đó cả châu Âu và châu Mỹ đều thực hiện các biện pháp mạnh để phòng chống dịch và họ đã từng bước khắc phục trong năm 2021.
“Trong năm 2022, dự báo của kinh tế thế giới như châu Mỹ, châu Âu đều sẽ tăng trưởng dương từ 4-5%. Trong khi, Việt Nam đang là nước có lợi thế phát triển về xuất khẩu, thu hút vốn FDI. Do đó, với sự phục hồi của thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển tiếp lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước theo đó cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không biết cụ thể đến thời điểm nào thì Chính phủ hoàn toàn cho phép các địa phương được hoạt động bình thường trở lại. Đó là một ẩn số.
Một tín hiệu tích cực khác được chuyên gia này đưa ra là động thái phục hồi đường bay quốc tế theo từng tiến độ của ngành hàng không. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, giao thông cũng đang được triển khai đầu tư, đi kèm là động lực đến từ khả năng thu hút FDI và sự phát triển của lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ là đòn bẩy kéo các lĩnh vực khác vực dậy.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, đến năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ có bước hồi phục và phát triển.
“Chúng ta hy vọng sự phát triển của năm 2022 sẽ ổn định và tốt hơn, với sự tháo gỡ về cơ chế chính sách cũng như đổi mới về cách thức quản lý phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh thích ứng với tình hình mới, nền kinh tế có thể yên tâm để hồi phục và phát triển trong năm tới”, ông Thịnh cho hay.
Chuyên gia này kỳ vọng vốn đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên, cũng như tốc độ tăng trưởng phát triển sẽ đạt ở mức cao, từ 7-7,5%. Lạm phát sẽ không quá cao, nằm trong giới hạn mà Chính phủ đề ra. Nợ nước ngoài, nợ công không tăng lên một cách quá mức.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, khó khăn nhất trong năm tới, quyết định việc nền kinh tế của Việt Nam có thể bật dậy được hay không, nằm ở việc tìm nguồn vốn để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách mạnh mẽ.
Cũng theo ông Thịnh, một thách thức nữa đặt ra cho năm 2022 chính là sự xuất hiện của các biến chủng mới của dịch Covid-19. Như vậy cơ hội để phục hồi, phát triển sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có khống chế được với các biến chủng mới của đại dịch hay không.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh hoạt động, đổi mới cơ cấu kinh tế cũng như thực hiện biện pháp kích cầu nền sản xuất cũng là một trong những vấn đề quan trọng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
“Hiện nay, yếu tố có thể nhìn thấy và có thể ảnh hưởng lớn là giá cả của nhiều nguyên vật liệu tăng lên trên thị trường quốc tế, từ đó làm cho giá cả vào Việt Nam cũng tăng theo, đẩy lạm phát lên ngưỡng mới trong quá trình tiếp cận. Hơn nữa, việc tận dụng các cơ hội mới cũng sẽ có khó khăn nếu như việc mở cửa không được diễn ra khi các biến chủng mới xuất hiện, khả năng hồi phục của nền kinh tế sẽ rất khó”, ông Thịnh lo ngại và cho rằng, nếu không thống nhất các cơ chế chính sách của nền kinh tế thì quá trình hồi phục sẽ rất chậm. Các chuỗi sản xuất cung ứng cần được vận hành một cách trơn tru, trôi chảy. Nhưng nếu chuỗi này tiếp tục gặp khó khăn thì việc hồi phục, phát triển rất khó.
Chuyển đổi số - “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng có nhiều cơ hội, đặc biệt là cơ hội đổi mới cơ cấu sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ số, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, khủng hoảng Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế trong nước khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cung cấp dịch vụ trực tuyến. Chính phủ cũng tăng cường số hóa các thủ tục và cơ sở dữ liệu của mình.
Có thể nói, trong thời kỳ dịch bệnh, chuyển đổi số được coi là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trước hàng loạt khó khăn, giúp biến thách thức thành cơ hội.
Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh vì dịch bệnh.
Điển hình như hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử (mua bán trực tuyến) giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, quản lý khách hàng, mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng, vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc. Một lĩnh vực cần sự tiếp xúc trực tiếp như bất động sản, trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã được các doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong hoạt động mua – bán.
Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thị trường. Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”, doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường.
Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ mà được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.
Một thực tế cũng có thể xem là thế mạnh của Việt Nam trong năm tới, theo ông Thịnh, là trải qua khó khăn của năm 2021, chúng ta có thể thấu hiểu, cũng như nhất quán trong việc sống chung với đại dịch ở các địa phương, từ đó nhất quán trong việc áp dụng công nghệ số, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… giúp cho các doanh nghiệp và nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, tạo đà bật dậy trong năm sau.
“Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”
Ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Nhìn chung, “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi,” ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
-
Để nền kinh tế không bị lỡ nhịp
Giới chuyên gia dự báo khó khăn của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài sang năm 2022. Điều các doanh nghiệp cần lúc này là các chính sách và giải pháp phù hợp để họ có thể vượt qua khó khăn và chung sức phục hồi kinh tế.
-
Việt Nam có thể tự do đến Belarus mà không cần thị thực
Kể từ ngày 30/1, công dân Việt Nam và Belarus chính thức được tự do đi lại giữa hai quốc gia mà không cần xin thị thực. Đây là kết quả của Hiệp định miễn thị thực được ký kết giữa hai nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác song p...
-
Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được tăng trưởng GDP 8%
Đó là dự báo của ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech, tối 20/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ....