Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Nghĩa là, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Kể từ khi dịch bùng phát, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trong đó có hỗ trợ về thuế, miễn giảm giãn hoãn tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí và lệ phí ở một số các lĩnh vực.
Đến nay, tổng cộng các gói hỗ trợ thuế, phí, an sinh, cộng với các chương trình hỗ trợ khoanh, giãn, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất và phí dịch vụ của NHNN ước tính lên tới 250.000 tỉ đồng (chưa gồm dư nợ tín dụng mới hàng triệu tỉ đồng). Có thể nói, động thái của Chính phủ đã rất kịp thời, song dường như hiệu quả mang lại chưa tương xứng.
Các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trước hết vẫn là việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định. Các chính sách cần có hướng dẫn thực hiện rõ ràng hơn, vận hành hiệu quả và đi vào thực tiễn.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề về dòng tiền, thanh khoản, người lao động, sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, chi phí đầu vào tăng trong khi giá đầu ra khó tăng ngay.
Chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế
Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp.
Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
Theo IMF và UNCTAD, hết quý 2-2021, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 17.910 tỉ USD, tương đương 16% GDP toàn cầu năm 2020. Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị 5.860 tỉ USD, tương đương khoảng 28% GDP.
Về cơ cấu các gói hỗ trợ toàn cầu, theo TS. Cấn Văn Lực đối với gói hỗ trợ tài khoá, có 12,6% cho hoạt động y tế, 80,7% để hỗ trợ và kích thích kinh tế và 6,7% giãn hoàn thế.
Với hỗ trợ tiền tệ, 66% dành cho bảo lãnh tín dụng, 27,5% hỗ trợ lãi suất, 6,5% các biện pháp mua tài sản/nợ. Trong đó chủ yếu dùng tiền ngân sách.
TS. Cấn Văn Lực
“Doanh nghiệp nên thực hiện theo mô hình 5Rs: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo), Resilience: tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc)”
TS. Cấn Văn Lực
Theo ông Lực, cơ cấu các gói hỗ trợ nói trên khác Việt Nam ở chỗ, các gói hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhiều so với gói hỗ trợ tiền tệ, tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, ít tập trung vào giãn hoãn thuế và nghĩa vụ trả nợ.
Những gói hỗ trợ này được triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh CNTT và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau.
Tại Việt Nam, theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp cơ cấu nợ và miễn giảm, lãi, phí sẽ lên tới 30.000 tỉ đồng, tính đến hết tháng 6-2022. Trích lập DPRR (dự phòng rủi ro) 2021-2023 tăng thêm khoảng 170.000 tỉ đồng.
Ông Lực cho rằng, hạn chế của các gói hỗ trợ tại Việt Nam là tiến độ triển khai chậm, nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỉ đồng, tương đương 6% hết tháng 9-2021. Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp.
Bên cạnh đó, việc tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… có thể khiến nền kinh tế “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi.
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay ưu đãi
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, sau đó đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành ngân hàng đang làm là giảm lãi, giảm phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp… Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỉ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỉ đồng.
Các tổ chức tín dụng phải loại rủi ro cho các doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ, cùng với đó phải trích dự phòng rủi ro 30% ngay từ đầu năm 2021. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng gây khó cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
“Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn. Việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nhận xét.
Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các doanh nghiệp cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh nghiệp doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu. Theo ông Hùng, cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Hùng cho biết dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Thực tế cho thấy người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm. Khi người dân đầu tư vào các kênh khác, các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn.
Vì vậy nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động. Nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản… các tổ chức tín dụng đã hết dư địa, hoặc còn rất nhỏ.
Bên cạnh đó, ông cho biết hiện chính sách tài khoá miễn giảm thuế 30% thuế TNDN với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng thì các tổ chức tín dụng không được hưởng.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Việt Nam cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp.
“Nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp", ông Hùng nói thêm và cũng đặt vấn đề về quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, hiện có tỉnh có tỉnh không.
Ông Hùng đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa như Chính phủ tăng "vay tiền" ngân hàng Trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.
Cần đồng bộ chính sách
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết khi dịch bệnh vừa xảy ra từ tháng 3-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp tiền thuê đất. Do đó, chúng ta đã làm được một đợt hỗ trợ cho doanh nghiệp với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã điều trần trước Quốc hội về gói giải pháp thực hiện năm 2020 và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NĐ-CP nhằm trợ cấp cho người dân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành thuế đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay, hướng dẫn địa phương chủ động làm các tờ khai để khi Nghị quyết được ban hành có thể thực hiện được ngay.
Năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc Hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021.
Ông Phụng cho rằng do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu năm dưới 200 tỉ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
“Phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Theo ông Phụng, có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách này, tuy nhiên phải lý giải rằng các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình. Nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm. Do đó, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Cho dù biết rằng doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt.
“Vì vậy, Chính phủ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh”, ông Phụng chia sẻ.
Ngày 27/10, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP, để triển khai thực hiện Nghị quyết 106 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, cần có một số giải pháp chính sách cần thực hiện.
Thứ nhất, có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả.
Thứ hai, phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.
Thứ ba, cần tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân. trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp.
Nhìn lại những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, ông Lực dẫn kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy việc triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do Covid-19, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cùng với đó là tiết giảm chi phí và "giữ chân" lao động, và tăng năng suất.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng doanh nghiệp nên thực hiện theo mô hình 5Rs: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo), Resilience: tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc).
“Đây sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khủng hoảng Covid-19”, ông Lực nhận định.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ hai chương trình.
Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…).
Thứ hai là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.
-
Kinh tế Việt Nam năm 2021: Nhiều điểm sáng bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19
Trải qua một năm bất ổn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng GDP với 2,58%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục gần 670 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư FDI tăng,...
-
Việt Nam có thể tự do đến Belarus mà không cần thị thực
Kể từ ngày 30/1, công dân Việt Nam và Belarus chính thức được tự do đi lại giữa hai quốc gia mà không cần xin thị thực. Đây là kết quả của Hiệp định miễn thị thực được ký kết giữa hai nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác song p...
-
Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được tăng trưởng GDP 8%
Đó là dự báo của ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech, tối 20/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ....