Theo kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, trong năm 2011, số dự án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là 30 dự án, với diện tích đất là 17,96 ha, dự kiến thu về cho ngân sách 2.450 tỷ đồng. Song, tính đến giữa tháng 11-2011, kết quả thu được mới dừng ở con số 21%, tức là 1/5 so với kế hoạch.
Nguyên nhân đến từ nhiều phía

Đấu giá quyền sử dụng đất, về thực chất, là việc Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất dưới hình thức đấu giá công khai, khách quan, minh bạch. Các cá nhân, tổ chức phải đưa ra phương án hiệu quả, phù hợp với quy hoạch để giành quyền đấu giá, còn Nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất cao hơn so với giá quy định. Gần 10 năm qua, việc đấu giá quyền sử dụng đất đã mang đến cho TP.Hà Nội một nguồn thu lớn nhằm bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố và các quận, huyện, thị xã.


Thế nhưng, nếu như trong năm 2010, nguồn thu từ việc đấu giá đất đạt khoảng 3.500 tỷ đồng (so với mục tiêu 2.600 tỷ đồng) thì tính đến giữa tháng 11-2011, theo thông tin từ sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố mới có 8 đơn vị đứng ra tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích 3 ha, thu về 522,65 tỷ đồng, tức là mới chỉ đạt 21% so với kế hoạch được đề ra. Trong đó, huyện Đông Anh đạt kết quả cao nhất (đấu giá được 9.927m2 đất, thu về 235,32 tỷ đồng), tiếp đến huyện Gia Lâm (đấu giá được 12.456 m2 đất, thu về 171,7 tỷ đồng), huyện Mỹ Đức (đấu giá được 13.324m2 đất, thu về 54,1 tỷ đồng), huyện Đan Phượng (đấu giá được 3.700m2 đất, thu về 38,7 tỷ đồng)... Song, bên cạnh đó, cũng có những quận, huyện, thị xã trước đây từng tổ chức rất thành công nhiều phiên đấu giá, thu về hàng ngàn tỷ đồng như quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm... nay lại chưa đấu giá được một khu đất nào.


Lý giải những kết quả quá thấp trên, trong cuộc họp giao ban với các sở, ngành, quận, huyện nhằm kiểm điểm tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất năm 2011 được tổ chức gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự trầm lắng của thị trường bất động sản do sự thắt chặt nguồn vốn tín dụng cho bất động sản của các ngân hàng, sự thay đổi các cơ chế chính sách... Song, một nguyên nhân chủ yếu được ông nhấn mạnh, chính là sự thiếu quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều quận, huyện, xã.


Còn theo ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, một phần nguyên nhân thuộc về Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này đã được ban hành hơn 1 năm (từ 4-3-2010) song đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành. Trong khi, nội dung Nghị định có những thay đổi về quy trình, thủ tục thực hiện việc đấu giá như việc bãi bỏ hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất các cấp, thay vào đó là phải thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Điều này, đã khiến UBND các quận, huyện, thị xã gặp nhiều lúng túng trong công tác triển khai thực hiện như: khó khăn trong việc xác định danh sách tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá, khó khăn khi lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá trong trường hợp nhiều tổ chức cùng tham gia; băn khoăn về vấn đề chi phí thuê tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chuyên nghiệp… Thêm nữa, do lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất còn khá mới mẻ nên lực lượng đấu giá viên còn thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc.


Khó hoàn thành kế hoạch


Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh tiếp tục yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tích cực, tập trung hơn nữa trong tháng cuối năm, phấn đấu tăng hơn nữa diện tích đấu giá. Đồng thời, phải xây dựng ngay từ bây giờ kế hoạch năm 2012, phù hợp với từng địa phương và có quyết tâm cao để năm 2012 hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 24,8 ha đất đủ điều kiện tổ chức đấu giá. Trong đó, có 17 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật, có thể tiến hành đấu giá ngay, thuộc các quận, huyện Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh, Hà Đông, Thanh Trì, Mê Linh, Ứng Hòa; dự kiến thu về 1.453 tỷ đồng. Thế nhưng, đây cũng mới chỉ là dự kiến. Nhiều chuyên gia về bất động sản đã nhận định, trong tháng cuối năm này, thị trường bất động sản khó có thể khởi sắc, thậm chí năm sau còn có thể khó khăn hơn, do đó, khi thị trường không có sự biến động cùng với những bất cập chưa thể giải quyết ngay của các cơ chế, chính sách, thì việc hoàn thành gần 80% chỉ tiêu trong 1 tháng là điều khó có thể thành công.

Theo Nguyễn Nga (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland