03/08/2010 8:59 AM
Cách lèo lái các nền kinh tế, định hướng chính trị sẽ khác nhiều so với hiện nay.
Kế hoạch 1 nghìn tỷ USD sẽ thay đổi cả châu Âu

Đầy tham vọng nhưng không đầy đủ, chi tiết, thế nhưng kế hoạch giải cứu dành cho đồng euro có thể thay đổi các cách điều hành châu Âu.

Kế hoạch 750 tỷ euro tương đương 950 tỷ USD để bảo vệ đồng euro có thể được thị trường nồng nhiệt đón nhận thế nhưng nó là kết quả của sự tuyệt vọng. Khi lãnh đạo hàng đầu các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu nhóm họp vào cuối tuần (ngày 08 và 09/05/2010), họ đương đầu với sự thật rằng nỗi sợ hãi trên thị trường trái phiếu các nước Nam Âu đang lan sang hệ thống ngân hàng của họ và bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường tín dụng toàn cầu.

Kế hoạch không chỉ để ngăn khủng hoảng nợ lan sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Kế hoạch để ngăn sự hoảng sợ tài chính có thể đẩy kinh tế thế giới trở lại vũng lầy mà suốt 2 năm qua đã cố gắng thoát ra.

Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã đúng khi hành động mạnh tay. Ban đầu, không ai có thể coi như họ thiếu tham vọng. Họ đã cam kết hỗ trợ 60 tỷ euro trái phiếu có đảm bảo của châu Âu, 400 tỷ euro từ nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và 250 tỷ euro khác từ IMF.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ngoài ra còn mua trái phiếu chính phủ để hạ chi phí lãi vay cho nhóm nước đang gặp khó khăn về tài chính trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong ngắn hạn, các biện pháp chữa cháy trên phát huy tác dụng. Thị trường trái phiếu bình ổn, khả năng vỡ nợ giảm. Nhiều bên vội vã muốn tuyên bố thành công và tiếp tục đi lên. Thế nhưng, đó mới chỉ là nửa con đường.

Kế hoạch này chỉ là giải pháp tình thế nhưng không giải quyết được vấn đề cấu trúc về tài khóa đã đẩy khu vực đồng tiền chung châu Âu đến thảm họa hiện nay. Tệ hại hơn, kế hoạch còn đi kèm những rủi ro mà châu Âu cần nhanh chóng giải quyết.

Cần thừa nhận kế hoạch dù có quy mô gần 1 nghìn tỷ USD nhưng thiếu chi tiết. Cho đến nay, chưa một ai biết chắc chắn kế hoạch sẽ hoạt động ra sao và IMF sẽ cung tiền như thế nào. Điều này quan trọng bởi đang tồn tại khoảng trống cho đến khi mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa trong nội bộ Ngân hàng Trung ưng châu Âu (ECB).

ECB hiện đã bắt đầu mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở. ECB khẳng định rằng những biện pháp trên chẳng qua là bất đắc dĩ, ngoại lệ và cần thiết để lập tức ứng phó với vấn đề trên các thị trường. ECB còn khẳng định các biện pháp trên độc lập với quan điểm của giới chính trị gia.

Thế nhưng ECB sẽ không còn có thể “mạnh miệng” như vậy nếu ngân hàng này liên tục cung tiền cho những chính phủ tiêu tiền hoang phí trong thời gian dài.

Vấn đề rủi ro đạo đức không hề nhỏ. Bạn không cần phải là một người dân Đức mới bất bình rằng việc cho phép chính phủ vài nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu một nơi trú ẩn khỏi thị trường trái phiếu đã giảm áp lực giảm thâm hụt ngân sách lên họ.

Chính phủ nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu biết rằng nếu điều tệ hại nhất sẽ còn dẫn đến điều tệ hại lớn hơn, họ vẫn còn chỗ trú. Đã chọn hướng cùng nhau bảo đảm, châu Âu nay cần quy định chung để ngăn dự trữ tiền của họ bị lợi dụng.

Biện pháp đảm bảo đã được đưa ra trong kế hoạch. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha buộc phải thông báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng trong tuần này. Bất kỳ nước nào vay tiền từ quỹ bình ổn sẽ phải đồng ý về chương trình điều chỉnh với IMF giống như Hy Lạp. Nếu các nền kinh tế thiếu thận trọng nhận tiền từ quỹ giải cứu, họ sẽ phải chấp nhận quy định từ một cơ quan chuyên áp dụng các quy định này.

Điều này vẫn chưa đủ. Chính phủ các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu cần tìm cách để áp dụng các quy định về hành xử tốt trước khi các nước nhận tiền kịp hoang phí. Nhiệm vụ này rất lớn lao, không chỉ bởi lịch sử của khu vực châu Âu cho thấy họ thường thất bại khi muốn làm việc này. “Kiến trúc sư” của đồng euro đặt niềm tin vào việc sẽ không có giai đoạn nào cần đến giải cứu và châu Âu trong quá trình ổn định và tăng trưởng. Quy định thất bại.

Mức phạt đối với những hành vi sai trái không đủ tin cậy: đe dọa nước thâm hụt ngân sách nặng với những án phạt cao chẳng khác nào đánh một người đang cố gắng dùng mấy ngón tay bám vào mảng đá để giành được sự sống.

Quá nhiều nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất, đã tránh được luật mà không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào. Tệ hại hơn, người ta tin sẽ không có sự giải cứu nào cần thiết, điều đó giải thích tại sao các thị trường tài chính bao lâu nay không thể phân biệt được chính phủ nào tiêu hoang, chính phủ nào thận trọng.

Vậy chính sách nào sẽ phát huy tác dụng? Ủy ban châu Âu trong tuần này đã đưa ra ý tưởng trong đó bao gồm việc can thiệp mạnh tay hơn cho đến kiểm soát chặt chẽ ngân sách hoặc đưa ra hệ thống thanh tra mà sự hoang phí sẽ bị trừng phạt.

Đó là khởi đầu tốt thế nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện giống các hệ thống cũ. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cần nghĩ đến công cụ chính sách của họ, ví như không chấp nhận cho các nước tiêu xài hoang phí bỏ phiếu trong việc phê chuẩn các quyết định của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Châu Âu cần cơ chế giải quyết những thất bại ví như hệ thống tái cơ cấu nợ quốc gia.

Để có được ý muốn chính trị hạn chế hành vi tiêu xài hoang phí là mục tiêu khó khăn nhất. Xung đột có thể xảy ra tại châu Âu. Người dân Đức đã thể hiện quan điểm họ sẽ trừng phạt những lãnh đạo dùng tiền đóng thuế của họ để cứu nước ngoài vô trách nhiệm.

Chính phủ Đức vì thế phải đưa ra yêu cầu cực kỳ khắt khe đối với Hy Lạp trước khi nước này được nhận bất kỳ khoản tiền nào, dù thực tế quyết định của Đức có thể đẩy châu Âu trở lại tình trạng giảm phát, trì trệ.

Bạo lực tại Hy Lạp thời gian gần đây cảnh báo về vấn đề một nước dân chủ chỉ có thể áp dụng biện pháp khắt khe trước khi người ta đấu tranh.

Ngay cả khi chính phủ nước đó chấp thuận cần giảm thâm hụt ngân sách và hiện đại hóa, không có thể chắc chắn cái gì sẽ đến trước, tăng trưởng kinh tế hay bạo lực xã hội.

Rõ ràng, nếu chính sách đi theo hướng trên, không thể tránh sự can thiệp mạnh tay vào chính trị của một nước. Nước Pháp muốn có quyền lực mạnh mẽ lên vấn đề thuế và chính sách tiền tệ – chính sách này nếu đi vào thực tế sẽ ảnh hưởng xấu đền nhiều nước khác.

Người Đức muốn quyền lực tập trung dựa trên các quy định trừng phạt mạnh tay hành vi tiêu xài hoang phí. Nếu nhóm nền kinh tế tại Nam Âu cần tự do hóa lao động và thị trường để tăng tính cạnh tranh , nước có thặng dư thương mại lớn như Đức cần kích thích tiêu dùng tại nội địa. Yêu cầu trên khi được thực hiện sẽ dẫn đến bất đồng chính trị về việc điều hành châu Âu.


Cafeland.vn
Theo Dân Trí/Economist

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.