25/02/2013 4:18 PM
Một báo cáo vừa ra của ngân hàng JPMorgan Chase có những nhận định khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Trong đó, các chuyên gia của ngân hàng Mỹ này cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong năm nay.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm nay có thể đạt mức 33 tỷ USD, tương đương 3 tháng nhập khẩu, từ mức khoảng 24 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, vào cuối năm 2012, theo báo cáo.

Mở đầu bản báo cáo, JPMorgan Chase tiếp tục đánh giá cao về “chính sách kinh tế sáng suốt” mà Chính phủ Việt Nam áp dụng trong năm qua. “Sau vài năm bất ổn, chính sách kinh tế sáng suốt hơn đã đem tới sự ổn định trong năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục trong năm 2013, trong đó Việt Nam có vẻ như sẽ có năm thứ hai liên tiếp giữ lạm phát ở mức một con số, cũng như cán cân thương mại và thanh toán ở trạng thái thặng dư”, báo cáo viết.

Báo cáo đánh giá rằng, sự cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam là khả quan, nhưng cũng là một biểu hiện của sự giảm tốc tăng trưởng trong mấy năm gần đây, và điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng đang có chiều hướng đi xuống.

Chuyên gia thực hiện bản báo cáo nhận định, tín dụng của Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 10%, so với mức 9% trong năm 2012, 12% trong năm 2011, và trung bình 30% trong 7 năm trước đó.

Báo cáo dự báo, năm nay sẽ là một năm nữa mà Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thấp hơn xu hướng của thời kỳ tăng trưởng mạnh trước đây. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức khoảng 5%.

Lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2013 được JPMorgan Chase dự báo ở mức 8,3%, so với mức 9,1% trong năm 2012 và 18,7% trong năm 2011.

Theo dự báo mà ngân hàng này đưa ra, với lạm phát ở mức một con số, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế việc hạ thêm các lãi suất điều hành từ mức 7-9% hiện nay. Báo cáo nhận định, lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ giảm 100 điểm cơ bản trong năm nay, nhưng không loại trừ khả năng mức giảm có thể lên tới 200 điểm phần trăm. Mặc dù vậy, cũng có thể lãi suất sẽ không giảm thêm nữa.

Theo báo cáo, lãi suất của Việt Nam đang tương đối cao so với các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á. Cùng với việc Việt Nam chuyển sang thặng dư cán cân vãng lai, mức lãi suất này sẽ giúp tỷ giá đồng VND ổn định năm thứ hai liên tục, báo cáo nhận xét. Theo báo cáo, tỷ giá VND cùng lắm sẽ giảm 3% trong năm nay, nhưng rất có thể, sự giảm giá sẽ không xảy ra.

Mặc dù vậy, trong trường hợp tăng trưởng suy giảm, Chính phủ Việt Nam có thể tìm cách làm tỷ giá VND suy yếu để hỗ trợ khu vực xuất khẩu - báo cáo viết.

Thặng dư cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam được ngân hàng này dự báo lần lượt đạt mức 2,7% và 2,2% GDP trong năm 2012. Năm nay, các cán cân này của Việt Nam vẫn sẽ duy trì trạng thái thặng dư, cho dù mức thặng du có giảm, báo cáo nhận định.

Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam được nhận định đạt mức thặng dư tương đương 7,5% GDP trong năm 2012 và sẽ thặng dư tương đương 4,6% GDP trong năm nay.

Nhờ đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm nay có thể đạt mức 33 tỷ USD, tương đương 3 tháng nhập khẩu, từ mức khoảng 24 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, vào cuối năm 2012, theo báo cáo.

Khi nói về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, báo cáo tỏ ra thận trọng. JPMorgan Chase cho rằng “không có cơ sở nào để kỳ vọng sự cải thiện trong tiến trình thành lập hay hiệu quả của công ty quản lý tài sản” mà Chính phủ đang xem xét thành lập để giải quyết nợ xấu.

Tuy nhiên, theo báo cáo, do hầu hết các khoản vay đều được cấp bằng VND và hệ thống ngân hàng của Việt Nam chủ yếu là quốc doanh, nên nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán là thấp. Bên cạnh đó, với mức nợ công dưới 50% GDP, Chính phủ Việt Nam có khả năng hấp thụ những thua lỗ phát sinh từ nợ xấu.

Giả sử tỷ lệ nợ xấu là 15% và tỷ lệ hồi phục các khoản nợ xấu là 0%, báo cáo ước tính, tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 70% nếu Chính phủ gánh thua lỗ từ các khoản nợ xấu này. “Mức nợ công như vậy ít nhiều là đang lo ngại, nhưng cũng chưa tới mức nguy hiểm”, báo cáo nhận định.

Mặc dù vậy, báo cáo cho rằng, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm chạp sẽ dẫn tới những thiệt hại. Trong đó, nền kinh tế có thể sẽ phải trải qua nhiều năm tăng trưởng thấp do các ngân hàng tập trung vào giải quyết nợ xấu thay vì cấp vốn vay mới.

An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.