Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giữ ổn định tỷ giá tiền đồng (VND) trong gần hai năm qua đã khiến VND mất giá hơn 20%, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, điều chỉnh tỷ giá được coi là việc cần làm.
Nên điều chỉnh VND ở mức 3 - 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu. Ảnh: Đ.T

Xuất khẩu khó vì tỷ giá

Một lãnh đạo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) than thở: “Năm nay, xuất khẩu cá tra khó trăm bề, thị trường xuất khẩu khó đã đành, ngay cả trong nước cũng toàn yếu tố bất lợi. Tỷ giá VND ổn định suốt thời gian qua được coi là thành tích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng lại gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu”.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tỷ giá danh nghĩa thay đổi không đáng kể thời gian qua, trong khi lạm phát tăng cao, khiến VND âm thầm lên giá so với đồng USD. Đồng nội tệ hiện bị đánh giá cao, khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn, kể cả những ngành mà Việt Nam có lợi thế như xuất khẩu cá tra.

“Có người nói tỷ giá không ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng tôi cho rằng, tỷ giá ổn định thời gian qua giống như thòng lọng đang siết doanh nghiệp một cách từ từ. Tỷ giá ổn định khiến VND cứ suy yếu dần, mà không ai biết để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Việc doanh nghiệp cá tra, cá ba sa đang đứng trước nguy cơ phá sản là những minh chứng cho thấy chính sách vĩ mô hiện nay có vấn đề”, ông Thành nói.

Có chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: “VND đang bị đánh giá cao hơn so với đồng USD khoảng 20 - 21% và VND cũng bị đánh giá cao hơn 3 - 4% so với 19 đồng tiền mà Việt Nam đang có quan hệ thương mại. Điều này gây bất lợi cho xuất khẩu nước ta”.

Cần điều chỉnh tỷ giá VND trong năm nay

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2013 là hoàn toàn nằm trong tầm tay của NHNN. Tuy nhiên, nếu duy trì ổn định tỷ giá quá lâu, thì yếu tố này không còn được coi là thành công của NHNN, mà ngược lại, sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như nước ta.

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng Hàng hải cho rằng, việc NHNN neo tỷ giá suốt năm 2012 đã đẩy gánh nặng sang năm 2013. Thực tế, xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2012 đã bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, năm 2013, NHNN cần phải xem xét việc điều chỉnh tỷ giá.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, để các doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt thòi, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh giảm 2 - 3%. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ giúp cán cân thanh toán nước ta được cân bằng.

Dĩ nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng nhập khẩu của nước ta cũng rất lớn. “Nếu 1 đồng nhập khẩu khẩu thu về từ 1 đồng xuất khẩu trở lên thì tốt, còn nếu nhỏ hơn thì càng xuất khẩu, càng lỗ. Từ năm 2000 đến năm 2008, tỷ lệ này ở nước ta là 1, có nghĩa là càng xuất khẩu càng có lãi. Song từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ này luôn xuống thấp hơn 1, có nghĩa càng xuất khẩu càng thiệt. Điều này có nghĩa, phá giá VND không có lợi cho nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.

Tuy vậy, đa phần ý kiến cho rằng, điều chỉnh tỷ giá VND là cần thiết. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, nước ta nhập khẩu nhiều mà nói phá giá VND bất lợi là không đúng. “Phá giá VND sẽ khiến nhập khẩu hàng tiêu dùng bị hạn chế (do giá đắt lên), đồng thời khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Còn với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất, tuy giá nhập khẩu có đắt lên, nhưng khi thành hàng xuất khẩu, thì bao giờ cũng được cộng thêm giá trị gia tăng. Do đó, phá giá VND là rất cần thiết”, ông Thành khẳng định.

“Theo tôi, NHNN nên chủ động phá giá VND ở mức 3 - 4% trong cả năm, thực hiện theo một số bước, với biên độ phá giá 1 - 1,5%. Những năm tới, nếu cán cân thanh toán vẫn thặng dư, thì NHNN nên tăng cường mua USD dự trữ để phá giá VND thêm nữa. Tôi cho rằng, nếu NHNN phá giá VND 4%/năm trong 3 năm liên tục, thì dự trữ ngoại hối sẽ tăng gấp đôi. Mức phá giá này cũng không phá vỡ cân đối giữa thị trường vốn nội tệ với ngoại tệ, vì chênh lệch lãi suất hiện nay giữa VND và USD khoảng 5%”, TS. Thành nói.
  • Ngân hàng được "xuất vàng miếng, nhập vàng khối"

    Ngân hàng được "xuất vàng miếng, nhập vàng khối"

    Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần này sẽ có một lượng vàng không phải hiệu SJC sẽ được xuất ra nước ngoài để chuyển đổi thành vàng khối, sau khi nhập về vàng khối sẽ dập lại thành vàng miếng SJC bổ sung cho các ngân hàng. Ước tính khối lượng vàng các thương hiệu khác cần chuyển đổi còn khoảng 10 tấn.

  • Kiều hối vào ngân hàng nhiều hơn

    Kiều hối vào ngân hàng nhiều hơn

    Việc người dân bán lượng kiều hối lớn cho ngân hàng cho thấy niềm tin vào tiền đồng gia tăng, hơn nữa, việc tỷ giá ổn định trong cả năm khiến cho tâm lý nắm giữ ngoại tệ giảm hẳn.

  • CPI tháng Tết sẽ tăng ở mức nào?

    CPI tháng Tết sẽ tăng ở mức nào?

    Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm nay đến muộn hơn Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (10/2 so với 23/1); cũng gần như nằm gọn trong chu kỳ tính CPI của Tổng cục Thống kê (từ 16 tháng trước đến 15 tháng sau). Do vậy, từ CPI tháng 2 cùng kỳ các năm trước, từ diễn biến CPI tháng 1 năm nay và lường đoán các yếu tố tác động tới đây, có thể dự báo gì cho CPI trong tháng 2?

Thùy Liên (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.