Phát biểu tại Hội nghị do Viện Bruegel của châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng tổ chức ngày 15/9, Giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy khuôn khổ tài chính mới cho khu vực đồng tiền chung châu Âu euro.

Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (Ảnh: AP)

Nhà lãnh đạo IMF nhận định trong 60 năm qua, các nước thuộc Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) đã chia sẻ con đường chung đi đến thịnh vượng, ổn định và hòa bình thông qua thống nhất thị trường, chính sách thương mại, cạnh tranh và tiền tệ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, một số quy chế của EMU đã không còn vận hành hiệu quả như mong muốn.

Sự yếu kém của các quy chế tài chính này đã không ngăn được tình trạng thâm hụt ngân sách tại nhiều nước châu Âu và đẩy châu lục này lún sâu suy thoái. Di sản của quá trình cải tổ cơ cấu dở dang đã cản trở con đường phục hồi kinh tế của châu Âu.

Theo IMF, hiện là thời điểm thích hợp để các nhà hoạch định chính sách của châu Âu giải quyết vấn đề này một cách triệt để. Nhiệm vụ khẩn cấp là thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết nạn thất nghiệp cao ở các nước khu vực đồng euro.

IMF khuyến cáo để thúc đẩy tăng trưởng ổn định, EMU cần đưa ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh chính sách kinh tế theo hướng chú trọng giảm nợ công.

Điều cần thiết hiện nay đối với các nước này là thực hiện các kế hoạch củng cố tài chính trung hạn, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Tất cả những kế hoạch này cần ổn định kinh tế vĩ mô và đây chính là thời điểm thích hợp để tăng cường khuôn khổ tài chính mới của khu vực đồng euro, trong đó liên minh tiền tệ và phối hợp tài chính cần phải song hành.

Giám đốc điều hành IMF Kahn nhấn mạnh khu vực đồng euro hiện đang đứng giữa hai sự lựa chọn. Một là cải tổ quản lý, điều chỉnh các thể chế và cơ chế hiện hành nhưng vẫn trong hình thức hiện nay. Lựa chọn này có thể dẫn đến trì trệ do các các khó khăn về cơ cấu vẫn tồn tại và vấn đề nợ vẫn khó giải quyết. Hai là cải tổ quản lý triệt để hơn, khó khăn hơn nhưng mở ra sự hòa nhập mới và phối hợp chính sách mới ở mức độ cao hơn.

Điều này sẽ dẫn tới một khu vực đồng euro năng động hơn, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng, chia sẻ trách nhiệm tài chính và khôi phục niềm tin ở châu Âu.

Theo IMF, khu vực đồng euro cần tận dụng thời điểm hiện nay để tăng cường phối hợp chính sách kinh tế và củng cố các thể chế./.
Cafeland.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland