03/12/2017 1:58 PM
Theo ước tính của HSC, hiện vẫn còn khoảng 400.000 tỷ nợ xấu chưa xử lý. Số nợ không thu hồi được trong tổng nợ xấu chưa được trích lập của toàn ngành khoảng 240.000-280.000 tỷ.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về con số nợ xấu thật sự trong hệ thống ngân hàng hiện nay vào ngày 17/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng cho biết tính đến cuối quý III/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD là 2,34% tổng dư nợ, giảm so với 2,46% vào cuối năm 2016.

“Tổng số nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được thì tính đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng giảm so với mức 600.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu là 8,61% giảm so với mức 10,08% tại cuối năm trước", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tổng nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội và ngoại bảng chưa xử lý đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) hai lý do chính khiến tỷ lệ nợ xấu giảm trong thời gian qua là đà tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 12,16% từ 5,86 triệu tỷ đồng cuối năm 2016 lên 6,57 triệu tỷ đồng cuối quý III. Cùng với đó, giá trị nợ xấu cũng giảm 34.000 tỷ đồng nhờ thanh lý và xử lý các khoản nợ tồn đọng của các TCTD.

Theo HSC, nợ xấu hiện nay tập trung chủ yếu ở 7 hoặc 8 ngân hàng, trong đó, ngoài Agribank và Sacombank, phần lớn là các tổ chức tín dụng nhỏ.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản nợ xấu còn lại đều được đảm bảo bởi các tài sản bất động sản, tỷ lệ thu hồi nợ có thể cao hơn mức thông thường là 30-40%. Đặc biệt, khi giá trên thị trường bất động sản đang tăng cùng với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua và áp dụng.

HSC cũng cho rằng những ngân hàng như Vietcombank, ACB, những đơn vị đã trích lập dự phòng phần lớn nợ xấu của mình sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc xử lý, thanh lý được các tài sản thế chấp này và tăng kết quả lợi nhuận.

Theo HSC, tỷ lệ nợ xấu được các ngân hàng báo cáo là 2,34%, tương đương 153.820 tỷ đồng theo thông báo chính thức của NHNN vào cuối tháng 9. Trong khi đó, mệnh giá trái phiếu VAMC hiện tại tương đương 4,05% tổng dư nợ. Mới đây, VAMC cũng cho biết mệnh giá trái phiếu công ty tính hết tháng 8/2017 là 266.330 tỷ đồng.

Do đó, 2,22% giá trị nợ xấu còn lại có thể là nợ xấu tiềm ẩn, tương đương 137.000 tỷ đồng nợ xấu.

Theo ước tính của HSC, trong hệ thống hiện vẫn còn khoảng 400.000 tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý, tương đương 6,1% tổng dư nợ. Số không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành khoảng 240.000-280.000 tỷ đồng.

HSC đưa ra ước tính dựa trên so sánh số nợ xấu theo báo cáo của ngân hàng thương mại với hệ số trích lập dự phòng rủi ro LLR bình quân toàn ngành ngân hàng (không tính 3 ngân hàng 0 đồng) tại thời điểm cuối năm 2016 là 70,7%.

Dựa vào số dự trái phiếu VAMC, HSC ước tính dự phòng lũy kế trích lập cho trái phiếu VAMC hồi cuối năm 2016 là 37.000 tỷ đồng và cuối tháng 9 vừa qua là 50.000 tỷ đồng. Phần trái phiếu VAMC còn lại chưa được trích lập dự phòng là 216.000 tỷ đồng.

Như vậy, vẫn còn 137.000 tỷ đồng nợ xấu tiềm ẩn chưa được thể hiện trong nợ xấu cho vay khách hàng và trái phiếu VAMC được ngân hàng thương mại công bố.

Quang Thắng (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: HSC, no xau, VAMC