Trong báo cáo mới nhất có tên “Sơ lược về Việt Nam - Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng cho chúng ta biết điều gì?”, HSBC đã phân tích bảng cân đối của 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank - nhóm chiếm hơn nửa tổng dư nợ thị trường.
Ảnh minh họa.
HSBC cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại sức khoẻ của ngành ngân hàng Việt Nam. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao là mối lo ngại lớn.
Các nhà phân tích của HBSC cho biết, mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình đã giảm đáng kể vào năm 2020 với mức tăng 1% (so với mức trung bình 3% kể từ năm 2013), mức này vẫn cao.
Các khoản cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 50% thu nhập của lực lượng lao động vào năm ngoái, con số theo HSBC là một tỷ lệ cao đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng tốt hơn so với các nước cùng khu vực, nhưng sự yếu kém của thị trường lao động vẫn là mối lo ngại đối với sự phục hồi nhu cầu trong nước.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 2,4% trong năm nay từ mức cao nhất 2,7% trong quý 2/2020, nhưng số lượng việc làm vẫn ít hơn 950.000 so với trước đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình hàng tháng của người lao động đã giảm 1,5% vào năm ngoái, xuống còn 6,6 triệu đồng.
HSBC cũng cho biết các hộ gia đình dễ bị tổn thương và người lao động cần một biện pháp kích thích tài chính.
“Việc chuyển tiền mặt và hoãn thuế cho các hộ kinh doanh cần phải được đẩy nhanh, do đó sẽ hỗ trợ sự phục hồi nhanh chóng trong tiêu dùng tư nhân”, HSBC cho biết.