Ảnh minh hoạ
Ngày 30-11-2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 20/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015 “hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định”. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20-1-2022.
Theo đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021 quy định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015 đã loại bỏ “đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội”.
Thông tư mới chỉ còn quy định: “Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015”.
Như vậy, kể từ ngày 20-1-2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.
Theo HoREA, nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng phải thực hiện “gửi tiết kiệm nhà ở xã hội”.
HoREA cho rằng trong lúc các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt việc cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để “mua, thuê mua nhà ở xã hội” trong 15 năm qua, thì quy định này của NHNN không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Do vậy, đơn vị này khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo NHNN rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đảm bảo khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021 của NHNN thống nhất và phù hợp với quy định của Nghị định 100/2015, Nghị định 49/2021 của Chính phủ.
Hiệp hội cũng nhận thấy, khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư số 25/2015 còn phát sinh mâu thuẫn với chính khoản 3 Điều 6 Thông tư 25/2015 quy định.
Thông tư 25 quy định: “Đối với khách hàng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà”.
Nhưng khi khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư số 25/2015 không cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay vốn ưu đãi đối với các “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội”.
Lẽ ra NHNN phải bãi bỏ luôn cả khoản 3 Điều 6 Thông tư số 25/2015. Tuy nhiên, do không bị bãi bỏ nên khoản 3 Điều 6 Thông tư số 25/2015 vẫn còn hiệu lực pháp luật và đã dẫn đến mâu thuẫn với chính khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021.
Trên thực tế, việc NHNN loại bỏ “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” là đã căn cứ vào khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014.
Luật Nhà ở 2014 quy định: “Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.
Theo HoREA, việc căn cứ riêng một khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện và không phù hợp với thực tiễn.
“Việc Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cho vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội dẫn đến các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt thòi nhất”, HoREA nhấn mạnh.
HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021 theo hướng vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015, chỉ bỏ mục đích “thuê”.
HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Thông tư 20/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015 theo hướng chỉ bỏ từ “thuê” tại khoản 3 Điều 6.
Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà;
Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Năm 2022, khi xem xét xây dựng Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua nhà ở xã hội” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.
Cụ thể, “hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; hoặc để mua, thuê mua nhà ở xã hội”.
-
Siết tín dụng bất động sản khó chặn được cơn sốt đất
Tín dụng bất động sản không phải là thủ phạm chính gây sốt đất, nên việc siết tín dụng bất động sản khó chặn được tình trạng giá đất tăng vọt.
-
Vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bao giờ mới giải toả?
Lãi suất, tiếp cận tín dụng, thủ tục pháp lý... là những vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
-
Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấ...
-
Tín dụng bất động sản toàn cầu suy giảm nhưng vẫn có điểm sáng
Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn ở mức cao, kéo theo lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị hạn chế.