Sau khi Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng được ban hành, cũng đã có không ít ý kiến đề nghị lùi thời hạn áp dụng quy định giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong các đề xuất này, không cho thấy những góc khuất của lĩnh vực cho vay chứng khoán. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những góc khuất này.

Khoảng 38.000 tỉ đồng đã được cho vay đầu tư chứng khoán, cao hơn nhiều so với con số 17.000 tỉ đồng được các công ty chứng khoán báo cáo. Ảnh: TUỆ DOANH

Khoảng 38.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán vào đầu năm nay. Đây là con số thực được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán kiểm tra, đối chiếu thông qua Trung tâm Lưu ký. Nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính cấp cao xác nhận độ chính xác của số liệu này. Nó lớn hơn nhiều mức 17.000 tỉ đồng được các công ty chứng khoán báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nó cũng gấp gần hai lần số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều đáng quan tâm hơn cả là nó giải thích câu chuyện thực vì sao thị trường chứng khoán đã không phản ứng mạnh vào thời điểm Thông tư 36 được ban hành hai tháng trước đây, nhưng lại rơi vào cú sốc khi quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng cho tất cả các khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1-2-2015.

Hiệu ứng độ vênh số liệu

Trước hết cần nhấn mạnh Thông tư 36 có những quy định mang tính tích cực nhằm giải quyết vấn đề sở hữu chéo ngân hàng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ.

Giữa tháng 1-2015, NHNN tuyên bố không lùi thời hạn thực hiện Thông tư 36, trong đó có điều khoản cho vay đầu tư cổ phiếu. Một trong những lý do là tổng mức cho vay đầu tư cổ phiếu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng, chỉ ở mức 4,5% vốn điều lệ. Thanh tra NHNN thậm chí công bố cụ thể số liệu cho vay chứng khoán đến cuối tháng 8-2014 là 18.537 tỉ đồng, cuối tháng 9 là 19.291,6 tỉ đồng và cuối tháng 11-2014 là 20.130,3 tỉ đồng.

Cũng theo NHNN, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống đến cuối tháng 11-2014 có 435.000 tỉ đồng. Tối đa 5% của vốn điều lệ tương ứng 21.750 tỉ đồng. Như vậy toàn hệ thống còn dư ra 1.620 tỉ đồng để cho vay.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát thực tế do chúng tôi tiến hành với những ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh cho thấy họ không chú trọng cho vay kinh doanh cổ phiếu. Số dư cho vay cổ phiếu tập trung vào các ngân hàng cổ phần trong khi vốn điều lệ của tất cả các ngân hàng cổ phần chưa đầy 200.000 tỉ đồng. Nghĩa là các tổ chức tín dụng cổ phần phải điều chỉnh dư nợ cho vay cổ phiếu rất mạnh để đáp ứng quy định của Thông tư 36.

Vấn đề là ở chỗ số liệu công bố của NHNN đã khiến công chúng, nhà đầu tư và bản thân các ngân hàng đánh giá không hết mức độ nghiêm trọng của dư nợ đối với thị trường. Đa số các đối tượng trên thị trường đều hình dung dư nợ cần phải giảm bớt vài ngàn tỉ đồng để về mức hợp lý. Người ta đã không biết số liệu thực cho đến khi Trung tâm Lưu ký vào cuộc.

Theo Thanh tra NHNN, dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán đến cuối tháng 8-2014 là 18.537 tỉ đồng, cuối tháng 9 là 19.291,6 tỉ đồng và cuối tháng 11-2014 là 20.130,3 tỉ đồng. Trong khi theo số liệu bóc tách từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, con số này vào đầu năm nay là 38.000 tỉ đồng.

Nguồn cơn cú sốc

Số liệu bóc tách từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán cung cấp chính xác dư nợ ký quỹ của từng công ty chứng khoán, dư nợ cho vay của từng ngân hàng, thậm chí có thể biết rõ dư nợ cho vay giao dịch đối với từng nhóm hoặc từng cổ phiếu. Do Trung tâm Lưu ký quản lý cả dữ liệu của công ty đại chúng (tức những doanh nghiệp, ngân hàng chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCom), nên con số tổng hợp cả mảng cho vay cầm cố cổ phiếu của chính các ngân hàng là rất lớn.

Cứ theo quy định của Thông tư 36, ước tính khoảng 60% của dư nợ 38.000 tỉ đồng sẽ bị các ngân hàng rút về. Khổ nỗi những khoản cho vay cổ phiếu OTC, cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết sẽ không thể thanh lý được vì không có thanh khoản. Thay vào đó bên cho vay sẽ ép bên vay “giải phóng” lượng cổ phiếu niêm yết đang cầm cố. Cổ phiếu ngân hàng niêm yết là nhóm được cầm cố nhiều nhất, hiển nhiên chúng sẽ bị bán ra mạnh nhất.

Cổ phiếu niêm yết đang phải hứng chịu gánh nặng bán ra để trả nợ vay của những nhóm cổ phiếu chưa lên sàn. Sự hứng chịu này không hợp lý đã đành, nhưng trên hết nó đang làm chứng khoán tổn thương sâu sắc. Không ai dám nói VN-Index rơi là “điều kiện tuyệt vời” để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành cả!

Giải pháp

Các tổ chức đầu tư đang sốc. Cá nhân đầu tư nhỏ lẻ cũng sốc bởi độ vênh của những con số công bố và con số thực. Mà lỗi này đâu phải do họ gây nên. Đáng lẽ trước khi ban hành quy định trên của Thông tư 36, NHNN nên tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính vì nơi đây quản lý thị trường chứng khoán. Không thể lập luận Thông tư 36 điều chỉnh hoạt động ngân hàng, nên không liên quan đến ngành tài chính. Còn bên tài chính, chỉ đến khi thị trường lên tiếng bằng những phiên đỏ rực, sự chú ý mới được hướng về đấy.

Bây giờ khi số liệu thực đã có rồi, dư nợ cho vay đầu tư cổ phiếu phải giảm xuống, nhưng không phải cắt cái rụp mà cần có lộ trình giảm dần. Tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trước khi Thông tư 36 có hiệu lực là 20% vốn điều lệ ngân hàng. Nay xuống ngay 5%, tức đóng ba phần tư cánh cửa đột ngột, cả người vay và cho vay đều xoay xở không kịp. Chưa kể định nghĩa cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu đã được mở rộng hơn hẳn trước đây, gồm nhiều “khía cạnh, ngóc ngách” phải tính vào.

Muộn còn hơn không. Phía tài chính đã nhận ra sự “lơ là” trong quản lý một nghiệp vụ của thị trường chứng khoán. UBCKNN và Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ, theo đó hoặc giãn thời hạn thực hiện quy định dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu hoặc điều chỉnh tỷ lệ cho vay ở mức linh hoạt.

Quả bóng đã được chuyển sang sân của cơ quan soạn thảo và ban hành Thông tư 36. Thiết nghĩ một sự điều chỉnh quy định nói trên hợp tình hợp lý sẽ có lợi không chỉ cho các cơ quan quản lý, mà còn cho sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế nói chung. Cuối năm 2011, khi điều chỉnh Thông tư 13, NHNN đã đưa ra một quy định hợp lòng các chủ thể thị trường, đó là “tỷ lệ cho vay, đầu tư chứng khoán của ngân hàng sẽ do Thống đốc quy định trong từng thời kỳ tùy vào tình hình cụ thể”. Một sự lặp lại của quy định cũ trong một thời gian nhất định cho một lộ trình mới có lẽ nên áp dụng.

Hải Lý (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.