Về thông tin phạt do giao nhà chậm, theo các hộ dân, căn cứ hợp đồng nếu khách hàng đóng tiền trễ theo kỳ hạn từng đợt thì chịu lãi phạt 1,5%/tháng (tức 0,05%/ngày) trên tổng số tiền nộp của đợt đó, thực tế là có hộ bị phạt đến 83 triệu đồng.
Các hộ dân cho rằng những hộ đóng trễ 300 - 400 ngày, hoặc trễ 1.000 ngày là do QCGL cộng lũy kế và công ty đã thu phạt đầu đủ từ các hộ này (?). Ngoài ra theo các hộ dân, do tiến độ xây dựng quá trễ, nên các hộ dân sợ rủi mất tiền mà không được giao nhà (theo hợp đồng giao từ 7/9/2009, nhưng đến tháng 6/2009 mới xây dựng tới tầng 10); sự lo ngại này dẫn tới quyết định các hộ dân đóng tiền trễ.
Về thông tin từ phía công ty QCGL " . ..nếu giải quyết đúng theo hợp đồng thì vô tình 25% khách hàng đóng đúng tiến độ sẽ đẩy khó khăn về cho 75% khách hàng vi phạm hợp đồng". Theo các hộ dân, việc đóng trễ hay đóng sớm là hành động ngẫu nhiên của các hộ; việc 25% hộ này đóng sớm không ảnh hưởng gì đến việc đóng trễ của 75% số hộ khác mà ngược lại thì có ảnh hưởng.
Về số liệu "...85 khách hàng đã dọn về ở, 35 khách hàng đồng ý cấn trừ lãi quy về bằng 0; 13 trường hợp đồng ý với phương án tính lãi phạt hợp đồng 8%, chiếm tỷ lệ hơn 50%". Các hộ dân cho biết, QCGL có mời một số hộ đến làm việc và đề nghị chi trả một khoản nhỏ, trung bình chưa tới 1/3 tổng lãi phạt của các hộ được nhận theo hợp đồng, không như một số chủ đầu tư khác, thanh toán 100% cho dự án chậm tiến độ.
Theo các hộ dân, họ không biết có bao nhiêu hộ đồng ý việc phương án tính lãi phạt hợp đồng 8% của QCGL, tuy nhiên việc một số cá nhân kiện công ty này ra Tòa án Nhân dân quận 3 và tòa đã thụ lý là căn cứ cho thấy rằng việc "áp" Luật Thương mại để thanh toán 8% tiền phạt hợp đồng theo hướng của công ty là không có cơ sở. Nhóm khách hàng này lập luận: "Nếu không áp dụng Luật dân sự thì liệu tòa án quận 3 có thụ lý được không ?"
Liên quan tới thông tin về thiết bị vật tư, lắp trong căn hộ, phía khách hàng cho rằng "Công ty đã vi phạm hợp đồng một cách toàn diện cho gần hết các hạng mục vật tư chính yếu... ". Cụ thể, về gỗ lót sàn thay vì là gỗ xoan đào, gỗ tự nhiên, công ty sử dụng bằng sàn gỗ MDF dán vener. Khách hàng cho rằng, tại bất cứ thời điểm nào, giá sàn gỗ tự nhiên luôn cao hơn sàn gỗ công nghiệp từ 2-3 lần, do vậy việc công ty thay thế sản phẩm với giá rẻ hơn là vi phạm hợp đồng...
Về việc công ty lót gạch bóng kính 60x60 thay cho với loại đá Granit trong hợp đồng; nhóm khách hàng cho biết đã khảo sát thị trường, giá thấp nhất của đá Granit dùng để lát căn hộ là 650.000 đồng/m2, không có đại lý nào bán loại đá này với giá 220.000 đồng. Riêng thiết bị bồn cầu vệ sinh, theo hợp đồng là loại Appollo, nhưng theo khách hàng, thực tế lắp đặt là loại không nhãn mác, không đơn vị cung cấp cụ thể nên không biết ai đứng ra bảo hành (?)
"Ngày 28/9/2011, công ty QCGL có công văn đến khách hàng về việc thay đổi một số thiết bị, vật tư đối với những khách hàng nào có yêu cầu thay đổi, có 29 khách hàng đồng giữ lại vật tư thiết bị đã lắt đặt nhưng yêu cầu xác định lại giá trị vật tư và đền bù chênh lệch bằng tiền mặt". Về thông tin này, nhóm khách hàng cho rằng họ đã có thư phúc đáp về thông báo thay đổi vật tư cũng như bằng chứng về sự chênh lệch vật tư thực tế so với cam kết. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ngày 16/10/2011, công ty chỉ đồng ý hoàn trả chi phí lặp đặt phông trang trí trị giá 350.000 đồng/m2 mà công ty chưa lặp đặt; không thấy cam kết nào về số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng như khách hàng đã tính toán trong đơn khởi kiện.
Trong "thư phản hồi" ngày 17/10, nhóm 31 khách hàng nêu: "Đề nghị công ty nhanh chóng tổ chức một cuộc họp với sự có mặt của đại diện lãnh đạo cao nhất của cty Quốc Cường và ban đại diện của các hộ dân". Trong vòng 7 ngày, nếu công ty không có phản hồi hoặc thương lượng, nhóm khách hàng này sẽ tiếp tục khởi kiện lên Tòa án và các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi... |