Công ty X trên sàn vừa quyết định bán thỏa thuận hơn 1,5 triệu cổ phiếu quỹ để lấy tiền bổ sung vốn lưu động. Ở thời điểm mua vào cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu X còn cao hơn bây giờ nhiều, bán là lỗ, nhưng công ty chẳng còn đường nào khác. Lãi suất vay đang cao và ngân hàng còn cắt giảm hạn mức cho vay đối với công ty vì giá cổ phiếu giao dịch trên sàn đang ở cách quá xa mệnh giá.

Ngân hàng nói tính theo giá cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp tụt giảm 40%, làm sao giữ hạn mức cho vay như cũ được? Trong khi đó, công ty vẫn làm ăn có lãi, vẫn chia cổ tức cho cổ đông. Giám đốc công ty cho biết chắc sắp tới phải “học tập” các đơn vị khác là xin cổ đông cho giữ lại cổ tức, rồi trả lãi trên phần cổ tức đó như vay của cổ đông vậy.

X không phải là đơn vị niêm yết duy nhất gặp khó khăn trong quan hệ với ngân hàng khi giá cổ phiếu rớt thê thảm. Giám đốc sở giao dịch của một ngân hàng lớn ở TPHCM bật mí hội sở đang yêu cầu họ phải rà soát lại hạn mức cho vay đối với hàng loạt khách hàng để điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hợp lý. Một trong những chỉ tiêu để xem xét hạn mức cho vay là vốn điều lệ, vốn tự có. Giá cổ phiếu xuống thấp, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp mất vài chục phần trăm, nhất là với những cổ phiếu đang dưới mệnh giá, ngân hàng không thể giữ nguyên hạn mức. Một doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng than trước đây ngân hàng sẵn sàng cho công ty ông vay vài trăm tỉ đồng, nay giảm xuống một nửa, chỉ vì giá cổ phiếu còn chưa đầy 9.000 đồng.

Sức ép với các công ty niêm yết đang ngày một lớn khi giá cổ phiếu cứ mỗi ngày lại teo tóp hơn. Cổ đông chất vấn đã đành, cả khách hàng cũng quay ra nghi ngờ. “Công ty ông đang có vấn đề à? Chất lượng hàng hóa có đảm bảo không mà sao giá cổ phiếu thấp thế?” - một doanh nghiệp kể. Xí nghiệp ông mới chốt danh sách và chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông vào cuối tháng 4 này, cũng tới 12%/năm, nhưng giá cổ phiếu thì đang thấp hơn 20% so với mệnh giá. Làm thế nào thanh minh với khách hàng được đây? Ông trưng ra nghị quyết đại hội đồng cổ đông vừa họp: “Chúng tôi sẽ trả cổ tức bằng tiền từ 12-15% cho năm 2011. Ai tin thì tin. Còn giá cổ phiếu vì sao thấp, tôi chịu không giải thích được”.

Không nhiều, nhưng đã có doanh nghiệp hối hận vì lên sàn. Giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng khiến cho họ bị không ít người nhìn nhận là doanh nghiệp thua lỗ, trong khi thực tế lại không phải vậy. Đến ngày 4-4-2011 trên sàn Hose có 67/286 cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Số lượng cổ phiếu tương tự trên sàn Hà Nội nhiều gấp đôi. Còn cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách nhiều vô kể. Có cổ phiếu giá chỉ còn 3.000 đồng.

Cho đến mấy năm trước, niêm yết cổ phiếu vẫn là phương thức tiếp thị hiệu quả được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Lên sàn để người ta biết mình là ai, biết mình làm ăn ra sao, minh bạch thế nào. Bây giờ các doanh nghiệp niêm yết vẫn minh bạch hơn nhiều công ty không niêm yết. Có công ty tháng tháng nộp báo cáo tài chính lên hai sở chứng khoán, với đầy đủ kết quả kinh doanh, doanh thu, vốn vay, vốn chủ sở hữu... nhưng đà giảm của giá cổ phiếu không vì thế mà chậm lại. Hóa ra cái giá của minh bạch lúc này không còn hấp dẫn nữa. Mọi con mắt đều chỉ nhìn vào thị giá cổ phiếu thôi!

Vì thế không còn nhiều doanh nghiệp thông báo năm nay, năm sau lên sàn. Có doanh nghiệp được cấp phép niêm yết đã quá sáu tháng, giấy phép hết hiệu lực cũng chưa đi gia hạn hoặc xin lại. Những nụ cười hồ hởi ngày ra sàn đánh chiêng tự dưng ít đi. Ngân hàng Quân Đội (MB) đợi ngày thị trường “ấm lên” để chào sàn, song đợi mãi mà “mùa đông chứng khoán” vẫn chưa qua. Nay không thấy MB đả động chuyện lên sàn nữa.

Trong giai đoạn cổ phiếu “băng hà” như hiện nay, lẽ ra các doanh nghiệp niêm yết phải thay nhau đốt lên những đốm lửa, thì một số lại dội nước vào những lò than còn lại bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, bắt buộc nhà đầu tư phải nộp tiền mua. Không ít công ty tăng vốn lên gấp đôi, gấp rưỡi khiến giá cổ phiếu được điều chỉnh xuống thấp hơn nữa. Hậu quả là mặt bằng giá cổ phiếu nói chung tụt thêm vài nấc thang.

Trong khi không ít doanh nghiệp niêm yết hối hận vì trót lên sàn, số doanh nghiệp đứng ngoài nhìn vào e dè ra mặt. Họ chặc lưỡi, may mà chưa niêm yết, nên giá trị doanh nghiệp giữ nguyên, không bị chao đảo bởi biến động của VN-Index hàng ngày. Thời buổi lạm phát, lãi suất cao, nay lại phải đối phó thêm nguy cơ bị ngân hàng cho vay ít hơn hay siết nợ vì giá cổ phiếu giảm do cả thị trường lao dốc, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp còn lòng dạ mà tính toán niêm yết?

Cứ thế này, sẽ không là viển vông và quá lo xa khi một mai có doanh nghiệp thoái niêm yết thay vì lên sàn như từ trước đến nay. Chứng khoán từ “chợ làng” lên được siêu thị, rồi trung tâm thương mại. Ai biết đâu trung tâm thương mại khang trang, mà quầy hàng vắng bóng người mua. Chứng khoán thời “trung tâm thương mại” đang trở nên như thế!

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland