CafeLand - Trao đổi với PV bên lề Hội nghị IREC 2018 vừa qua, ông Trần Đạo Đức – Phó tổng giám đốc CEO Group khẳng định, việc Quốc hội tiếp tục hoãn thông qua Luật Đặc khu sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Hiện các dự án của CEO Group tại Phú Quốc vẫn đang thực hiện đúng theo tiến độ cam kết với khách hàng và chính quyền địa phương.

Bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều lý do để đầu tư, phát triển

Theo ông Trần Đạo Đức, Việt Nam có nhiều lý do để các nhà đầu tư yên tâm “rót tiền” vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, lý do đầu tiên là Việt Nam có tình hình chính trị ổn định. Cùng với đó, kinh tế Việt Nam xét về dài hạn, tốc độ tăng trưởng GDP được kỳ vọng bật tăng từ 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2021.

Bên cạnh đó, với sự đầu tư của Chính phủ, nguồn vốn ODA được giải ngân, nhiều công trình hạ tầng đã được xây dựng. Theo dự báo, đầu tư cơ sở hạ tầng từ mức 13-15 tỉ USD trong giai đoạn 2003-2013 sẽ tăng lên 39 tỉ USD trong giai đoạn 2014-2020.

Hệ thống luật pháp và các chính sách có liên quan đến doanh nghiệp và bất động sản đang hoàn thiện, cởi mở, đáp ứng chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường thuận tiện cho các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tổ chức và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo đại diện CEO Group, đó là một trong những lý do quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, xu hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bất động sản có nhiều cơ hội phát triển. Trong 2 năm gần đây, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản diễn ra sôi động ở tất cả các phân khúc bất động sản. Đặc biệt là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc CEO Group.

Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt nam hoạt động với xu hướng tốt là kênh dẫn vốn gián tiếp cho doanh nghiệp được quản lý tốt và dự án có chất lượng.

Đáng chú ý, thời gian qua du lịch đang tăng trưởng với số lượng khách đến Việt Nam ngày càng nhiều. Năm 2017, Du lịch Việt Nam có 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 73 triệu lượt khách du lịch nội địa so với 10 triệu khách quốc tế và 62 triệu khách nội địa năm 2016.

Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào các nước có tốc độ phát triển du lịch tăng nhanh nhất thế giới. Dự báo năm 2018 du lịch Việt Nam đạt 15-17 triệu khách quốc tế và 78 triệu khách du lịch nội địa.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ là 20 triệu lượt (gấp đôi năm 2016). Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có mức tăng khoảng 20%/năm

Theo Phó tổng CEO Group, với chiến lược mới của Chính phủ Việt Nam, du lịch sẽ đạt tổng doanh thu 35 tỉ USD vào năm 2020 và gấp đôi vào năm 2030. Tỷ lệ này gần sát với xuất khẩu nông nghiệp 40 tỉ USD (ngành có 44% lực lượng lao động Việt tham gia).

Ông Trần Đạo Đức đánh giá, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam thực sự là điểm thu hút được lượng khách quốc tế và trong nước.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, số lượng phòng khách sạn, biệt thự, condotel 3-5 sao tại 4 điểm du lịch lớn ven biển (Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long) hiện nay khoảng 49.131 phòng, đáp ứng lượng cầu du lịch theo tỷ lệ tương đương năm 2017 ở Việt nam là 96.000 phòng.

Thống kê của JLL cho biết, kế hoạch đăng ký xây dựng mới hiện nay đến năm 2020 chỉ thêm 8.000 phòng.

“Trong khi dự báo lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp đôi vào năm 2020 (20 triệu) nên nguồn cung cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn rất ít so với cầu”, ông Đức phân tích và cho rằng tiềm năng cho bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất lớn.

CEO Group không bị ảnh hưởng khi Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu

Ông Đức cho rằng, khi Nhà nước đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư du lịch cũng như bất động sản du lịch được các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư.

CEO Group cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bởi theo ông, giữa các phân khúc, lĩnh vực phát triển, những năm gần đây, CEO Group tập trung phát triển bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng, tại các khu vực nhiều tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Vân Đồn, Nha Trang… hướng đến chuỗi cung ứng du lịch, các khu nghỉ dưỡng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

"Không có chuyện nhà đầu tư tháo chạy tại các dự án được đầu tư bài bản, đảm bảo tính pháp lý và khả năng sinh lời".

Tuy nhiên, đại diện CEO Group cho rằng hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở nhưng chưa có chính sách cụ thể về việc cho phép sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Do đó, vị này kiến nghị, cần chính sách rõ ràng, hướng dẫn cụ thể hơn về việc cho phép người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, nhất là bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, condotel... Như vậy sẽ mở rộng hơn nữa, thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với loại hình bất động sản này.

Về câu chuyện thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng từ Luật Đặc khu, ông Đức cho rằng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) là chính sách lớn của Nhà nước. Do đó, ở thời điểm thích hợp, khi điều kiện chín muồi thì Quốc hội sẽ thông qua. Còn mỗi doanh nghiệp đều có những chính sách phù hợp với từng thời kỳ để phát triển, phù hợp với chính sách, tuân theo những quy định của pháp luật.

Ông cho hay: “Kế hoạch hoạt động của CEO Group không bị ảnh hưởng bởi Luật đặc khu. Nếu Luật đặc khu được thông qua, chắc chắn đây sẽ là cú hích cho sự phát triển của đất nước nói chung và cũng có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp đang đầu tư ở khu vực có điều kiện thuận lợi như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Hiện tại, CEO Group vẫn đang thực hiện tốt kế hoạch ban đầu và kế hoạch năm. Các dự án tại Phú Quốc của tập đoàn vẫn thực hiện đúng tiến độ cam kết đối với khách hàng và chính quyền địa phương”.

Đối với câu chuyện nhà đầu tư tháo chạy khỏi Phú Quốc tháng 5 vừa qua và mới đây khi Luật Đặc khu không thông qua, ông Đức cho rằng: “Tại các dự án của các nhà đầu tư lớn, được đầu tư bài bản, đảm bảo tính pháp lý và khả năng sinh lời vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ở các sản phẩm này, không có chuyện nhà đầu tư tháo chạy. Còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu họ mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ tính pháp lý thì có thể họ sẽ gặp những rủi ro”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O, doanh thu và lợi nhuận trong quý của CEO Group tiếp tục tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể, doanh thu đạt 596,58 tỉ đồng, tăng gần 45% và lợi nhuận sau thuế đạt 92,24 tỉ đồng, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản hơn 434 tỉ đồng (tăng gần 30%); doanh thu từ cung cấp dịch vụ hơn 133 tỉ đồng (tăng gần 34%).

Tổng tài sản của CEO tính đến ngày 30-6-2018 đạt hơn 7.408 tỉ đồng, tăng 31% so với thời điểm ngày 1-1-2018.

Về dòng tiền, Báo cáo tài chính quý 2-2018 của Tập đoàn CEO nêu rõ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO Group lên đến 1.085 tỉ dồng, cải thiện rõ rệt so với quý 1-2018 (392 tỉ đồng).

Vốn chủ sở hữu của CEO Group đến hết ngày 30-6-2018 ở mức hơn 2.328 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả ở mức 5.080 tỉ đồng. Tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CEO Group được đánh giá là tỷ lệ an toàn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Tổng nợ vay (bao gồm vay ngắn hạn và dài hạn) của CEO Group đến hết ngày 30-6-2018 ở mức 1.473 tỉ đồng, bằng khoảng 2/3 vốn chủ sở hữu (2.328 tỉ đồng).

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.