28/10/2024 9:33 AM
Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến ngày 23/10/2029). Mức thuế áp dụng cho các công ty Trung Quốc cao nhất là 34,27% và Hàn Quốc là 19,25%.

Bộ Công Thương mới ban hành kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối tôn mạ màu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc (Mã vụ việc: ER 01 AD.04)

Theo đó, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng này (từ ngày 24/10/2024 đến ngày 23/10/2029).

Cơ quan điều tra xác định tồn tại khả năng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra tái diễn hành vi bán phá giá, gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp chấm dứt biện pháp chống bán phá giá.

Mức thuế áp dụng cho các công ty Trung Quốc cao nhất là 34,27%. Có duy nhất một công ty được hưởng thuế 0%. Còn với Hàn Quốc, mức thuế dao động từ 4,95% đến 19,25%.

Thị trường bất động sản dần phục hồi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôn mạ trong nước

Trước đó, vụ việc này được khởi xướng điều tra từ năm 2018. Đến ngày 24/10/2019, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ màu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cơ quan này cho biết hành vi và mức độ bán phá giá nói trên đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra.

Nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc.

Trong một động thái liên quan, hồi tháng 6/2024, Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc AD19).

Thời kỳ điều tra hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2023.

Bên yêu cầu điều tra là 5 doanh nghiệp gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đã cung cấp chứng cứ về hành vi bán phá giá và đề nghị điều tra, xác định biên độ bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 69,23% và Hàn Quốc là 3,41%.

Mặt hàng này cũng từng bị áp thuế chống bán phá giá trước đó trong vụ việc AD.02, với mức thuế cao nhất 38,34%, kéo dài từ 2017 đến năm 2023. Tuy nhiên, đến năm 2023, các doanh nghiệp thép nộp hồ sơ để kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại khởi xướng điều tra lại vụ việc này.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành trung bình đạt 450.000 tấn/quý, tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Trong đó, Hoa Sen với lợi thế là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành tôn mạ (ước tính 30% thị phần) đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Thép Nam Kim và Tôn Đông Á cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa hàng quý lần lượt tăng 29% và 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Theo BSC, giá thép dự kiến sẽ duy trì xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm sau khi thị trường thép Trung Quốc đã có dấu hiệu tạo đáy và kỳ vọng phục hồi khi nước này tung ra loạt biện pháp kích thích kinh tế.

Thị trường bất động sản trong nước dần phục hồi cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôn mạ trong nước. Bên cạnh đó, các đại lý thường có xu hướng tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn trước giai đoạn áp thuế chống bán phá giá.

Do đó, BSC dự báo giá thép trung bình cả năm 2024 sẽ tăng 5% so với năm 2023. Trong năm 2025, đơn vị này dự phóng sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành sẽ tăng 20% so với năm 2024 nhờ việc áp thuế chống bán phá giá và sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.