Hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6,4% và chưa từng chạm ngưỡng hai con số. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trở lên không chỉ là một dấu mốc đầy tham vọng mà còn là cách để Việt Nam dũng cảm bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng được cho là nền tảng để bứt phá hiện thực mục tiêu.
Cải cách thể chế tiếp tục được xác định là trụ cột, đóng vai trò dẫn dắt tiến trình phát triển. Ảnh: Đặng Giang
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới khẳng định, thể chế là “đột phá của đột phá”. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu cần rà soát khó khăn vướng mắc của pháp luật và cơ bản giải quyết trong 2025, đồng thời khẳng định đây không phải là mục tiêu mà là “mệnh lệnh chính trị”. Bởi như vậy mới có thể tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số từ năm 2026.
Doanh nghiệp “mắc kẹt” trong thủ tục
Tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW đã đổi từ tư duy thiên về quản lý sang kiến tạo và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, việc Luật Đất đai 2024 được thông qua đã mở ra cánh cửa để các ngành bất động sản và xây dựng tăng trưởng tích cực hơn so với 2 năm trước đó.
Tuy nhiên, dù đã được sửa đổi, quy định hiện hành vẫn gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong ngành xây dựng, gián tiếp đẩy giá bất động sản tăng cao. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất đối với ngành bất động sản hiện nay chính là giá đất. Đây là vấn đề nhức nhối khi đang có tình trạng giá nhà chạy theo giá đất và “giá đất đuổi giá nhà”.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, tình trạng giá đất tăng cao một phần xuất phát từ quy định về định giá đất cho các doanh nghiệp dựa trên kết quả bán đấu giá đất, cùng với đó là việc giá đất được tính theo nguyên tắc thị trường.
Do đó, chuyên gia cho rằng đây chính là thời điểm mang tính bước ngoặt, đòi hỏi Việt Nam cần đưa ra những quyết sách mang tính đột phá, với tinh thần cải cách mạnh mẽ và hành động dứt khoát hơn nữa. “Bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của biến đổi khí hậu, các xung đột địa chính trị, làn sóng chuyển đổi số, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và tất cả đang tái định hình trật tự kinh tế thế giới. Trong cơn sóng lớn ấy, quốc gia nào biết thích ứng nhanh, dũng cảm đổi mới thể chế và nâng cao năng lực quản trị sẽ có cơ hội vươn lên dẫn dắt. Ngược lại, những quốc gia nào chần chừ, bị động, giữ mãi lối tư duy cũ sẽ bị bỏ lại phía sau và Việt Nam không phải là ngoại lệ”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộ nhấn mạnh.
Cách mạng thể chế
Trong số các giải pháp cần được ưu tiên, cải cách thể chế tiếp tục được xác định là trụ cột, đóng vai trò dẫn dắt toàn bộ tiến trình phát triển. TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh thể chế luôn giữ vai trò trung tâm và chính là “bộ vi xử lý” điều phối toàn bộ hoạt động của nền kinh tế và đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng nhanh có thể đến từ dòng vốn, tài nguyên hay lao động giá rẻ, nhưng tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm chỉ có thể được bảo đảm bởi một thể chế hiệu quả, minh bạch và công bằng.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam cần bắt đầu từ một đột phá về tư duy thể chế. Thể chế không chỉ là hệ thống luật pháp và văn bản quy phạm pháp luật, mà còn là tổng hòa các quy tắc chính thức và phi chính thức điều chỉnh hành vi xã hội.
Đồng thời, trong ngắn hạn, cần tập trung sửa đổi một số luật nền tảng hiện vẫn đang là điểm nghẽn phát triển như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch... Để đảm bảo tính bền vững của thể chế, Việt Nam cũng cần phát triển cơ chế phản biện chính sách và giám sát quyền lực một cách hiệu quả.
“Nếu thể chế là nền móng phát triển thì Nhà nước chính là kiến trúc sư của thể chế ấy. Một Nhà nước có năng lực kiến tạo cao sẽ biết nhìn xa, hoạch định đúng, dẫn dắt xã hội và kinh tế tiến lên. Ngược lại, nếu chỉ dừng lại ở vai trò điều hành hành chính thuần túy, Nhà nước sẽ trở thành lực cản thay vì là động lực cho tăng trưởng”, TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam phải tiến hành hai cuộc cách mạng kép là cuộc cách mạng “xanh và số” và cuộc cách mạng thể chế.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý hiện còn nhiều chồng chéo, bất cập. Đồng thời tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” từ phía các cơ quan chức năng nhằm nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào định hướng phát triển của quốc gia. Niềm tin này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo, hiện thực mục tiêu tăng trưởng.
Đồng tình với sự cần thiết của đồng lòng giữa Chính phủ và doanh nghiệp, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. “Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm”, ông nhấn mạnh.
Đặc biệt, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chỉ ra, bốn điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng: Thứ nhất, cần có sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội; Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế; Thứ ba, cần có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi; Thứ tư, sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.
“Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.
-
ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3% trong năm 2025
ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 xuống còn 6,3% và 6,0% trong năm 2026.
-
Chọn mô hình tăng trưởng mới: Khởi đầu cho tầm nhìn 2045
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng không đơn thuần là thay đổi công thức phát triển. Đây là tiến trình phức hợp, tác động đến cấu trúc thể chế, phân bổ nguồn lực, năng lực đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực - những yếu tố quyết định khả năng bứt phá dài hạn của nền kinh tế. Nếu biết lựa chọn đúng mô hình tăng trưởng và thiết kế chính sách hợp lý, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở và cơ hội để vượt lên.
-
Thành lập 8 Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 16/7 về việc thành lập 8 Tổ công tác đặc biệt, do chính các Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng.







