04/04/2012 1:47 AM
Thị trường bất động sản (BĐS) đang “đói vốn” và không có “phương thuốc” hữu hiệu cho tình trạng này khi tính thanh khoản của ngân hàng thương mại yếu, niềm tin giảm và nhiều nhà đầu tư thứ phát đang trong trạng thái “ôm bom”, không biết vỡ nợ lúc nào.
Hiến kế “gỡ vốn” cho bất động sản

Mặc dù ngân hàng đã nới lỏng tín dụng đối với việc cho vay BĐS song các doanh nghiệp (DN) BĐS đều cho rằng kênh huy động vốn từ các ngân hàng thương mại không phải là giải pháp tối ưu khi lãi suất cho vay vẫn ở mức 18-19%. “Đầu tư BĐS với lãi suất gần 20% thì là cực kỳ khó cho các nhà đầu tư. Có lẽ chỉ những nhà đầu tư khó khăn quá mức mới dám tiếp cận” - một chủ đầu tư đang kẹt vốn than thở.
Lãi suất chưa thể giảm ngay chính là một thực tế. Chính sách có độ trễ và các ngân hàng phải cân đối đầu huy động trước đây (huy động ở mức cao) nên vốn đang tồn tại tính bình quân cũ, mới thì vẫn còn cao, chưa phù hợp để DN có thể tiếp cận. Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng muốn tháo cho thị trường BĐS thì ít nhất phải hết năm nay sau khi các ngân hàng nâng cao được tính thanh khoản. Nguồn vốn huy động trong dân và các kênh khác như nhà đầu tư thứ phát, kiểu “huy động bán nhà trên giấy” thời điểm hiện nay không khả thi bởi niềm tin sụt giảm cộng với nghi ngại BĐS còn giảm sâu.
Các nguồn vốn khác như FDI hay kiều hối hiện có xu hướng tăng, song theo các chuyên gia, đây không phải nguồn vốn mang tính chi phối. Các nguồn vốn khác được trông đợi như quỹ tín thác và tiết kiệm nhà ở sẽ phải chờ một vài năm mới phát huy được hiệu quả. Để khơi thông dòng vốn trên thị trường, rõ ràng cần có những giải pháp đồng bộ, cả từ phía các DN, ngân hàng cũng như các cơ quan nhà nước mà yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là bản thân các DN.
“Để có nguồn vốn mới đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ là nguồn tiền mà bản chất ở đây là năng lực hiện tại của DN phải được củng cố nhiều hơn. Chúng ta nhìn thấy trách nhiệm của DN là cần tái cấu trúc DN, cắt giảm chi phí cho phù hợp với thời điểm thị trường đang đóng băng; thậm chí phải thay đổi ngành nghề KD cho phù hợp hơn”, ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - khẳng định.
Một điều quan trọng là các DN phải xây dựng được thương hiệu, uy tín và niềm tin đối với người góp vốn đầu tư mua bán BĐS như: quản trị nội bộ và có năng lực tài chính tốt hơn, thực hiện đúng thời gian, cam kết với khách hàng… “Nếu như chưa có niềm tin thì những giải pháp đưa ra không có ý nghĩa gì. Chỉ khi người dân có niềm tin mới sẵn sàng góp vốn vào và thị trường mới khởi sắc” - TS.Nguyễn Thị Mùi phân tích.
Ở góc độ khác, các chuyên gia cũng như chủ đầu tư kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có những dự báo chính xác và có những tác động cần thiết để làm ấm lại thị trường BĐS. Nói như GS Đặng Hùng Võ thì khi thị trường ấm lên, không cần giục thì khách hàng cũng sẽ gõ cửa xin chủ đầu tư được…nộp tiền.
Theo PLVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.