07/02/2013 8:41 AM
Một năm đầy khó khăn vừa hết có phải là cơ hội để ngành Xây dựng nhìn nhận lại những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại, rút ra những bài học, kinh nghiệm, là thời cơ để tái cơ cấu các lĩnh vực quản lý nhà nước?. Các hội nghề nghiệp hiến kế cho Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Cần sự vào cuộc tích cực của các Hội nghề nghiệp

Thời gian vừa qua, việc xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, quy hoạch, chiến lược của ngành Xây dựng được thực hiện công khai, dân chủ, tranh thủ tối đa sự đóng góp không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả xã hội.

Bộ Xây dựng sẵn sàng nghe những ý kiến đề xuất, phản biện, kể cả những ý kiến trái chiều để cùng thảo luận, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

Bộ rất quan tâm và mong muốn thường xuyên nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, sẵn sàng đối thoại trong quá trình xây dựng chính sách để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả…

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Xây dựng pháp luật xây dựng cần có ý kiến rộng rãi của chuyên gia

Với những khó khăn của ngành Xây dựng năm 2012, chúng ta có điều kiện để đánh giá lại toàn bộ cơ chế chính sách, nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước, cụ thể như thị trường BĐS có những vấn đề bất hợp lý cần phải khắc phục…

Đại diện cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tôi kiến nghị quá trình xây dựng luật pháp cần tiếp tục mở rộng, huy động sự tham gia ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, ví như một số vấn đề về xây dựng Luật Kiến trúc, quản lý hành nghề kiến trúc sư, thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, điều chỉnh chi phí tư vấn thiết kế kiến trúc…

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam: Phải đổi mới cơ chế quản lý đầu tư

Phải đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, thất thu lãng phí. Theo tôi, phải tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong quản lý hành nghề kỹ sư, các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành…

PGS.TS Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC): Cần thay đổi hệ thống pháp luật về đấu thầu

Để có một hệ thống Luật có chất lượng cao,VACC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cần thay đổi hệ thống Luật về đấu thầu. Theo đó không nên ban hành luật đấu thầu chung như hiện nay mà cần xây dựng và ban hành các Luật đấu thầu chuyên nghành như Luật đấu thầu Xây dựng, Luật đấu thầu mua sắm hàng hóa, Luật đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư...

Để bảo vệ các quyền lợi của nhà thầu Việt, Lãnh đạo VACC đã tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan báo đài để làm rõ những vấn đề mà nhiều DN quan tâm như chỉ định thầu tràn lan không đúng luật, cạnh tranh nhà thầu nước ngoài và nhà thầu Việt, những bất cập trong đấu thầu...

Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực ngành Xây dựng, chúng tôi cho rằng: Để xây dựng một thể chế có ”nền nếp” đánh giá năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng cần phải xây dựng ngay một tài liệu Thông tin về Năng lực Nhà thầu xây dựng Việt Nam để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.

Hiệp Hội Nhà thầu nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2013. Tuy nhiên đây là công việc khó và có khối lượng lớn cần được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng về hỗ trợ kinh phí và phối hợp chặt chẽ giữa các Cục, Vụ, Viện với VACC trong quá trình triển khai công việc.

Về công tác đấu thầu: Trong cơ chế đấu thầu theo Luật đấu thầu năm 2005 và Nghị định 85, đang tồn tại rất nhiều vấn đề đang gây bức xúc cho các nhà thầu đặc biệt về ưu đãi nhà thầu trong nước, Vấn đề chỉ định thầu tràn lan làm mất tính cạnh tranh, giá gói thầu thấp không đúng, thanh toán hợp đồng và nợ đọng trong xây dựng.

VACC kiến nghị: Trong chức năng quyền hạn của mình, Bộ Xây dựng có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 04 về quản lý chi phí đầu tư XDCT(Thông tư hướng dẫn Nghị Định 112). Chúng tôi kiến nghị BXD cho các Hội/ Hiệp hội được tham gia đóng góp vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Tăng cường phối hợp giữa Bộ Xây dựng và hội nghề nghiệp

Hiệp hội BĐS Việt Nam được thành lập năm 2002 và có 1421 hội viên. Với mục tiêu tăng cường việc phản biện các chính sách, đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tìm kiếm các biện pháp giúp giảm các chi phí đầu vào cho sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong xây dựng giúp nâng cao chất lượng công trình xây dựng, giảm giá thành sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực...

Hiệp hội đã tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo khoa học, chuyên đề như: “Thị trường Bất động sản Việt Nam phát triển năng động và bền vững”, Hội thảo "Giải pháp tổng thể cho thị trường BĐS 2012”, Diễn đàn Bất động sản 2012: “Cơ hội trong khủng hoảng”…

Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Hiệp Hội BĐS kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội và bảo trợ các Hội nghị hội thảo để tổng hợp các ý kiến các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề chính sách; Xem xét các đề xuất, kiến nghị của các DN được tổng hợp tại các cuộc Hội thảo, hội nghị; Thông báo hàng năm cho Hiệp hội được biết các định hướng, kế hoạch bổ sung, dự thảo các chính sách mới hàng năm để Hiệp hội và các DN định hướng nghiên cứu, góp ý.

Ngoài ra, Hiệp hội BĐS mong muốn định kỳ có các cuộc họp phổ biến về các chủ trương chính sách mới của Bộ Xây dựng; Giao Hiệp hội một số đề tài nghiên cứu cũng như công tác đào tạo dựa trên thế mạnh của Hiệp hội; Phối hợp Hiệp hội trong việc triển khai Đề án xây dựng chỉ số thị trường BĐS về giá, khối lượng giao dịch BĐS tại các TP lớn thông qua mạng lưới hội viên Hiệp hội.

PGS.TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Tránh tình trạng Luật không khả thi

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý đô thị, Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật Đô thị, trong đó tùy theo chức năng chuyên ngành của mỗi Bộ mà chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng Luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế và khó khả thi; Trong tổ chức của Bộ, nên nghiên cứu để tổ chức, nâng cấp Cục Phát triển đô thị thành Tổng cục nhằm nâng cao năng lực và cấp độ quản lý đô thị trên toàn quốc.

Để công tác Hội luôn gắn chặt, đóng góp cho xã hội trong công tác phản biện, Hội mong muốn được Bộ giao cho thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp ngành và cấp thành phố như quá trình đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Các dự án sự nghiệp kinh tế, đồ án quy hoạch vùng có tính phức tạp, phối hợp nhiều địa phương, yêu cầu chất lượng cao.

Đối với việc nghiên cứu cơ chế chính sách quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN có thể tham gia phối hợp nghiên cứu với các đơn vị trong Bộ Xây dựng về một số lĩnh vực như phát triển nhà ở xã hội, đô thị hóa, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, sinh thái; Đề nghị Bộ Xây dựng có sự hỗ trợ tích cực đưa Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam vào danh sách các Hội đặc thù; giao cho Hội nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề cho các Kiến trúc sư Quy hoạch.

Pháp Luật VN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.