Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá nguyên nhân và tác hại của tình trạng phát triển nóng, nhất là đầu cơ bất động sản dẫn đến tình trạng tồn kho và nợ xấu, song dường như vẫn chưa nói hết sự tàn phá của cơn “địa chấn” này đối với kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, một tác hại rất lớn chưa ai nói đến là cơn sốt đầu cơ nhà đất đã gây nhiễu loạn công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhất là trong xây dựng công trình giao thông. Một thời gian khá dài, hơn 90% các dự án cầu đường đều trễ tiến độ từ 6 tháng đến vài năm, do 3 nguyên nhân chính trong đó GPMB chậm là cản trở lớn nhất.

Do đâu? Hàng loạt dự án khu đô thị được phê duyệt và triển khai tùy tiện bất chấp quy hoạch và quan hệ cung-cầu, thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp giá rẻ như bèo, sau khi san nền phân lô, chủ đầu tư thổi giá lên gấp hàng trăm lần. Cơ chế quy định “giá đất đền bù phải sát giá thị trường”, nhưng khi thị trường bị giới đầu cơ lũng đoạn, ảo thật lẫn lộn và biến động khôn lường thì không biết dựa vào đâu để làm “căn cứ”.

Có thời điểm trong một thời gian ngắn, thậm chí sau một đêm giá đất tăng 50, 100% (như trường hợp giá đất ở Ba Vì, Hà Nội khi có tin, theo quy hoạch trục Thăng Long-Hoàng Đạo sẽ qua đây), cơ chế nào cũng bó tay. Mặt khác, “sốt” đất làm giá liên tục tăng nhanh, hộ chây ỳ lấy cớ di chuyển chậm lại nhận được mức đền bù cao hơn những hộ chấp hành nghiêm chỉnh giao mặt bằng đúng thời gian quy định. Cả 3 trường hợp nêu trên thường gây ra khiếu kiện, thắc mắc kéo dài, có khi một vài năm chưa giải quyết xong. Nói cách khác, thu hòi đất vốn là một vấn đề phức tạp, lại bị “nhóm lợi ích” và giới đầu cơ tiếp tay “làm giá” gây thêm nhiễu loạn cho công tác GPMB, làm chi phí đội lên và công trình phải kéo dài tiến độ, lãng phí nhiều ngàn tỷ đồng...

Gặp những chuyện như thế, người ta thường quy tội cho “mặt trái của cơ chế thị trường” và loay hoay đưa thêm nhiều quy định nhằm “đối phó” với nó, mà sao nhãng việc trước hết là phải chấn chỉnh những sai phạm về quản lý đất đai và buông lỏng quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Luật Đất đai đang được sửa đổi, bài báo này xin thay cho một lời góp ý với 2 điều nhắn gửi: Đất đai là loại hàng hóa đặc biệt (nhất), phải đưa giá chuyển nhượng đất về giá trị thật, sẽ góp phần quan trọng tạo sự ổn định về kinh tế và thuận lợi lớn đối với công tác GPMB. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bất cứ ai quản lý, cấp đất và sử dụng tùy tiện hoặc tìm cách thao túng thị trường chuyển nhượng, đều phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Quang Tuấn (Báo GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.