19/05/2015 1:50 PM
Dọc ven biển Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có hàng trăm dự án (DA) đầu tư phát triển du lịch với quy mô lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, nhiều DA “treo” hết năm này qua năm khác để lại nhiều hệ lụy...

Treo” hơn 11 năm

Hàng trăm ki-lô-mét bờ biển của tỉnh TT-Huế có nhiều DA đã được UBND tỉnh cấp phép tại các vị trí đắc địa. Tuy nhiên, sau nhiều năm được phê duyệt, đến nay, những DA này vẫn chỉ nằm trên giấy, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc, chính quyền địa phương lo lắng. Một trong những DA ven biển “treo” lâu năm nhất phải kể đến là DA Khu du lịch (KDL) Xanh Lăng Cô tại TT Lăng Cô, H. Phú Lộc. Năm 2004, UBND tỉnh TT-Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho DA KDL Xanh Lăng Cô với diện tích hơn 6,3ha; chủ đầu tư là Tổng Cty Cổ phần xây dựng Điện Việt Nam - VNECO.

Đây là khu đất có vị trí đắc địa, khi vừa nằm ngay cạnh bãi biển Lăng Cô vừa nằm ngay trên tuyến QL1A qua địa bàn H. Phú Lộc (TT-Huế). Công trình có tổng mức đầu tư gần 169 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn 4 sao. Thời điểm khởi công, nhà đầu tư cho biết, công trình có nhiều hạng mục, đặc biệt: nhà đón tiếp, nhà Bungalow, nhà vườn VIP, nhà vườn loại 1-2-3 phòng, nhà hàng 840 chỗ, hội trường... Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý IV năm 2008. Vậy nhưng đến nay công trình này vẫn chỉ mới xây xong... bức tường thành.

Sau 11 năm được cấp phép, dự án Khu du lịch Xanh Lăng Cô chỉ xây dựng bức tường.

Ông Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND TT Lăng Cô cho biết, DA này được phê duyệt, có “dính” cả khu Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) TT Lăng Cô. Ngay sau khi phê duyệt, nhà đầu tư yêu cầu di dời NTLS này đến một nơi khác. Địa điểm được chọn là ở cách xa trung tâm thị trấn và muốn đến thắp nhang ở NTLS này phải băng qua cánh đồng. Tuy nhiên, vị trí này khiến nhiều cựu chiến binh lên tiếng, phản đối. Sau nhiều lần họp bàn, chính quyền địa phương và nhà đầu tư đồng ý dịch chuyển NTLS mới về hướng nam, cạnh NTLS cũ. Theo Chủ tịch UBND TT Lăng Cô, khi dịch chuyển vị trí NTLS, nhà đầu tư có chuyển cho thị trấn gần 200 triệu đồng xem như là tiền đền bù để tự xây dựng lại nghĩa trang nhưng phía thị trấn không đồng ý và giao nhà đầu tư xây dựng. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, khu NTLS mới cũng chỉ xây được 2 bức tường thành rồi để yên từ đó đến nay.

Có mặt tại khu vực này vào những ngày hè trung tuần tháng 5, chúng tôi chứng kiến không hề có bóng dáng người trên công trình. Một cựu chiến binh ở TT Lăng Cô bức xúc: “Việc DA chậm triển khai đã khiến nhiều người dân địa phương thất vọng, đằng này việc nhà đầu tư hứa sẽ xây NTLS mới gần đó thay thế cho NTLS cũ nằm trong khu vực liên quan DA nhưng mấy năm nay vẫn chưa xong. Ngày 27-7 sắp đến, bà con mong muốn có được NTLS mới để đến thắp hương cho các đồng đội nhưng xem ra khó quá”. Chủ tịch UBND TT Lăng Cô cho biết, hiện khu NTLS TT cũ đã xuống cấp trầm trọng, trong khi NTLS mới chưa được xây dựng nên vì vậy người dân rất bức xúc.

Dù đã triển khai nhiều năm, nhưng Khu Nghĩa trang Liệt sĩ mới thay cho Khu Nghĩa trang Liệt sĩ TT Lăng Cô cũ chỉ mới xây 2 bức tường thành.

Dân khốn khổ

Theo ông Trần Văn Giảng, từ khi diện tích ven biển trên địa bàn hầu hết được cấp cho các DA nhưng do chậm và không triển khai đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển du lịch của địa phương. Ông Giảng nói, đoạn đường dài hơn 2km ở TT Lăng Cô mà chỉ có 2 con đường ngang ra biển. Việc hạn chế lối đi ra biển đã khiến rất nhiều khách du lịch đến vịnh đẹp này phải lên tiếng. Ngoài ra, người dân địa phương cũng rất khổ sở mỗi lần ra biển hóng mát hoặc vận chuyển ngư lưới cụ để ra khơi làm ăn. “Đợt lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, du khách đổ về Lăng Cô rất đông, ai cũng đi ra biển nhưng đường ra biển chỉ có 2 (nằm cách nhau 2km), trong khi khách du lịch đi băng qua các khu khách sạn, resort thì người ta không cho nên khách rất vất vả khi đi ra biển” - ông Giảng nói.

Tại xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc, nhiều DA ven biển được cấp đất lâu năm không được triển khai khiến người dân rơi vào cảnh khốn đốn. Hàng trăm hộ dân nhường đất cho DA khi chuyển đến Khu TĐC nên không còn đất sản xuất, trong khi đó đất tại DA vẫn đang bỏ hoang. Ông Huỳnh Văn Đò (50 tuổi) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có gần 2ha đất trồng lúa, khoai, sắn và chăn nuôi heo, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, trừ mọi chi phí còn có của ăn của để. Từ ngày đến nơi ở mới, không có đất để sản xuất, cuộc sống khó khăn vất vả lắm, ai thuê chi làm nấy”.

Hơn 300 hộ dân thôn Phú Hải 2 của xã Lộc Vĩnh có đến 3 DA khu du lịch đã được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép từ nhiều năm trước. Đó là DA Cty Hòa Bình 7,8ha thu hồi đất của người dân từ năm 2009; Thiên Đường 7,6ha thu hồi đất năm 2010 và DA sân golf Phong Phú giai đoạn 1 thu hồi 8,9ha vào năm 2007 và giai đoạn 2 là 302ha vào năm 2010, đã kiểm kê đất, tài sản của dân nhưng đến nay vẫn chưa áp giá đền bù. Sau nhiều năm cấp phép, các DA này vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Suốt hơn 3 năm qua, gia đình bà Bà Nguyễn Thị Hà (trú xã Lộc Vĩnh) phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì DA xây dựng sân golf của Cty Phong Phú -Lăng Cô. “Từ ngày chủ đầu tư sân golf về kiểm tra, đo đạc thì họ nói rằng, 1 tháng sau sẽ chuyển gia đình tôi và các hộ dân trong thôn lên khu tái định cư mới. Gia đình tôi đợi mãi vẫn không thấy trong khi nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng mà không sửa chữa được...”.

Chủ đề: Bỏ hoang
Nhóm PV (Công an ĐN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.