30/08/2024 5:47 PM
Công ty Chứng khoán Vietcap vừa đưa ra nhận định rằng ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của Vingroup đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh với dòng tiền hàng tỷ USD từ hoạt động kinh doanh cũng như huy động vốn…

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán Vietcap cho biết, tính đến cuối quý 2/2024, tổng nợ vay của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) là 222,4 nghìn tỷ đồng (+4% so với đầu năm và -2% so với quý trước), trong đó nợ bằng USD chiếm 29,1% tổng dư nợ vay.

Các khoản nợ vay đáo hạn trong vòng 12 tháng bao gồm (1) các khoản vay hạn mức tín dụng là 43,7 nghìn tỷ đồng, (2) các khoản nợ vay dài hạn đến hạn trong nửa cuối năm 2024 là 44,5 nghìn tỷ đồng (trong đó 100% đã được bảo đảm hoặc đang thảo luận về kế hoạch tái cấp vốn, theo ban lãnh đạo) và (3) các khoản nợ vay khác sẽ đến hạn trong nửa đầu năm 2025 là 22,1 nghìn tỷ đồng

Tính đến cuối quý 2/2024, Chủ tịch của VIC đã hoàn tất giải ngân khoản tài trợ cho VinFast (VFS) cho thỏa thuận tài trợ trị giá 1,0 tỷ USD được thực hiện vào tháng 4/2023 (bao gồm khoản tài trợ 3,3 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2024 và 20,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2023).

Vietcap cho rằng Chủ tịch VIC sẽ cung cấp các khoản tài trợ mới trong giai đoạn 2025-2026 do tuyên bố của ông tại ĐHCĐ tháng 4/2024 của VIC rằng ông sẽ tài trợ ít nhất 1 tỷ USD cho VinFast từ tài sản cá nhân.

Vietcap cũng dự báo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho VinFast trong các năm 2024/2025 lần lượt là 18.000 tỷ đồng/23.800 tỷ đồng, chủ yếu sẽ được tài trợ bởi mức tăng nợ vay ròng trung bình của VIC trong dự báo của chúng tôi (không bao gồm VHM) là 20.100 tỷ đồng/năm trong cùng kỳ.

Theo đó, Vietcap tin rằng VIC/VinFast sẽ cần cân đối các kế hoạch đầu tư với tiến độ huy động vốn, bao gồm kế hoạch tái cấp vốn.

Dòng tiền của VIC

Công ty chứng khoán cũng cho rằng ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của VIC đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh.

Vinhomes - VHM (kinh doanh bất động sản)

Dòng tiền dự kiến từ (1) các khoản doanh số bán hàng chưa ghi nhận hiện tại (tính đến cuối quý 2/2024: doanh số bán hàng chưa ghi nhận là 118,7 nghìn tỷ đồng) và (2) doanh số dự kiến từ các dự án mới (dự báo doanh số bán hàng tương ứng của
chúng tôi trong năm 2024/25/26 đối với VHM là 91/89/96 nghìn tỷ đồng).

Vinpearl (khách sạn nghỉ dưỡng), Vinmec (y tế) và Vinschool (giáo dục)

Vietcap dự báo dòng tiền và lợi nhuận từ HĐKD của các mảng kinh doanh này sẽ dần cải thiện, được hỗ trợ bởi các động lực dài hạn bao gồm sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu và biên lợi nhuận được cải thiện.

VinFast (công nghiệp)

Vietcap dự báo EBITDA của mảng công nghiệp của VIC (chủ yếu là VinFast) sẽ duy trì âm trong trung hạn, sẽ được hỗ trợ bởi các nguồn tài trợ từ VIC và Chủ tịch bao gồm nợ vay, các khoản tài trợ của Chủ tịch, và các khoản thu nhập khác, theo giả định của Vietcap.

Triển vọng huy động vốn của VIC trong các năm 2024/2025

Vietcap nhận định rằng VIC luôn chủ động với các kế hoạch huy động vốn của công ty bao gồm tái cấp vốn nợ vay.

Theo đó, Vietcap kỳ vọng thị trường vốn toàn cầu trong nửa cuối năm 2024/2025 có thể sẽ ít thách thức hơn so với giai đoạn 2022/2023, được hỗ trợ bởi sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương quan trọng như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Fed (triển vọng cắt giảm lãi suất rõ ràng hơn từ Fed trong tháng 9) và kỳ vọng kinh tế phục hồi ổn định hơn.

Môi trường này có thể hỗ trợ các kế hoạch huy động vốn đang được tiến hành của VIC. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT cũng sẵn sàng cung cấp nguồn tài trợ từ tài sản cá nhân cho VinFast.

Từ tổng hợp của Vietcap, một số cơ hội huy động vốn của VIC bao gồm:

- Thị trường trong nước (phát hành trái phiếu trong nước và tài trợ từ ngân hàng trong nước): Trong 5 tháng đầu năm 2024, VIC đã hoàn tất phát hành 14 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong nước thông qua chào bán ra công chúng và phát hành riêng lẻ, phù hợp với các công bố của công ty vào tháng 7/2023 và tháng 4/2024.

- Nợ vay từ quốc tế (các khoản vay hợp vốn quốc tế và trái phiếu hoán đổi): Trong cuộc họp báo cáo KQKD tháng 7/2024 của VIC, ban lãnh đạo thông báo VIC đã thu xếp một khoản vay hợp vốn quốc tế cho phần lớn tiền gốc trái phiếu hoán đổi trị giá 425 triệu USD do Vinpearl phát hành. Vào tháng 8/2024, VIC cho biết Vinpearl đã phát hành thành công 150 triệu USD trái phiếu hoán đổi quốc tế.

- Khoản tài trợ của Chủ tịch: Chủ tịch chia sẻ tại ĐHCĐ tháng 4/2024 của VIC rằng ông sẽ tài trợ ít nhất 1 tỷ USD cho VinFast từ tài sản cá nhân (đây là khoản tài trợ mới bên cạnh khoản cam kết tài trợ 1 tỷ USD đã công bố vào tháng 4/2023).

- Niêm yết Vinpearl: Vinpearl đang trong quá trình chuẩn bị và đặt mục tiêu niêm yết trong vòng 12-18 tháng tới, theo ban lãnh đạo.

- Thỏa thuận phát hành vốn cổ phần của VinFast với Yorkville được ký vào tháng 10/2023 với hạn mức lên đến 1 tỷ USD cho việc phát hành cổ phiếu mới trong 3 năm kể từ năm 2023. VIC đã huy động được hơn 30 triệu USD từ thỏa thuận này trong quý 4/2023.
- Cơ cấu lại một số tài sản (thông tin chi tiết không được công bố). Việc thoái vốn một số mảng kinh doanh đã đi vào giai đoạn ổn định/không cốt lõi là một trong các kênh huy động vốn cho công ty trong các năm qua (thoái 41,5% cổ phần tại VRE
thông qua SDI trong giai đoạn từ tháng 3 - quý 3/2024, thoái One Mount Group trong giai đoạn 2021-2022, và Crown X trong giai đoạn 2020-2021).

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.