Giới chuyên gia cho rằng, với số lượng di sản lên tới hàng nghìn công trình, việc bảo tồn, trùng tu toàn bộ là điều không thể.

Hoài niệm về một thời vàng son

Sau gần 40 năm định cư ở Mỹ, vào một ngày đầu tháng 11, ông Trịnh Khiêm, một người con của phố Hàng Bông mới trở lại chốn cũ, thăm lại nếp nhà xưa cũ.

Hàng nghìn nhà phố Pháp cổ chờ sập tại Hà Nội: Cứu hết là điều không thể - 1

Nhà cổ nằm xen kẽ nhà mới.

Mặc dù xa quê đã lâu, nhưng trong ký ức của mình, ông Khiêm không bao giờ quên được tiếng tàu điện “leng keng”, hay tiếng rao hàng của mấy cô, mấy bác bán hàng rong. Đặc biệt, ông vẫn nhớ những ngôi nhà phố Pháp ở hầu hết các tuyến phố có chữ “Hàng”, với mái ngói rêu phong, cổ kính.

Dù vậy, sau lần trở về này, ông thấy phố cổ Hà Nội đã thay đổi hoàn toàn và khác xa so với hình ảnh 40 năm trước. Những ngôi nhà phố Pháp cổ kính khi xưa, nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà bê-tông hiện đại. Trong khi đó, những ngôi nhà cổ vẫn còn tồn tại bị người dân cơi nới, sửa chữa lại, làm biến dạng công trình.

Theo ông Khiêm, người dân sống trong phố cổ hiện nay, coi trọng giá trị bất động sản hơn giá trị lịch sử, kiến trúc.

Mỗi mét vuông mặt đường phố cổ đáng giá cả tỷ đồng, cá biệt tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào đạt kỷ lục 1,2 tỷ đồng/m2, giá cho thuê cũng lên tới cả trăm triệu đồng/tháng cho một ngôi nhà cổ khoảng 50 m2.

“Cũng do giá trị cao, nên hầu hết nhà mặt đường được dùng để cho thuê. Người thuê không quan trọng nhiều tới yếu tố gìn giữ, nên họ mặc nhiên sửa chữa, cơi nới lại để kinh doanh. Thậm chí, có nhà đập đi để xây khách sạn, hoặc xây mới lại để bán có giá hơn. Đó là điều đáng tiếc”, ông Khiêm nói.

Hàng nghìn nhà phố Pháp cổ chờ sập tại Hà Nội: Cứu hết là điều không thể - 2

Nhiều người trung niên đều tiếc phố cổ mất đi “chất” cổ.

Cũng có cùng tâm trạng nuối tiếc, ông Nguyễn Thái An (SN 1943), con trai trưởng của cụ Nguyễn Văn Lợi, người sáng lập ra thương hiệu lụa Đức Lợi (72 Hàng Đào) nổi tiếng Hà Nội vào đầu thế kỷ 20 cũng cho rằng, diện mạo của phố cổ ngày nay đã khác nhiều so với trước đây.

“Trước kia, phố Hàng Đào là phố quốc tế. Ở đây có nhiều thương nhân nước ngoài như người Hoa, người Tây và cả người Ấn Độ. Họ xây dựng nhà cửa, mở cửa hiệu bán tơ lựa, khiến phố Hàng Đào là một trong những con phố đông đúc nhất của Hà Nội”, ông An nói.

Qua nhiều biến cố của lịch sử, phố Hàng Đào vẫn giữ danh hiệu tuyến phố sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, những nếp nhà xưa cũ trên trăm tuổi, hay những cửa hiệu tơ lụa nức tiếng một thời còn lại rất ít và nằm xen kẽ các công trình hiện đại.

“Trong nhiều năm, tôi vận động nhiều chủ nhà trong phố Hàng Đào nên giữ gìn nhà cổ, thay vì đập đi xây mới. Bởi, nhà phố Pháp chính là báu vật của người Hà Nội và không có gì thay thế được”, ông An nói.

“Cứu” hàng nghìn di sản trong lòng Phố cổ Hà Nội là điều không thể

Trong vài năm gần đây, Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã đưa ra nhiều giải pháp để “cấp cứu” một số công trình nhà phố Pháp, biệt thự Pháp trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Hàng nghìn nhà phố Pháp cổ chờ sập tại Hà Nội: Cứu hết là điều không thể - 3

Kiến trúc phố cổ trở nên lộn xộn.

Kết quả bước đầu cho thấy, một số công trình kiến trúc đặc biệt đã “hồi sinh” sau hàng trăm năm tồn tại, ví dụ như tái hiện được không gian cổ kính trên phố Tạ Hiện, hoặc cải tạo, trùng tu lại 2 Hội quán của người Hoa, là Hội quán Quảng Châu (phố Hàng Buồm) và Hội quán Phúc Kiến (phố Lãn Ông).

Dù vậy, số lượng công trình được trùng tu đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ, so với hàng ngàn công trình nhà phố Pháp cổ đang ở trong trình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi với PV báo Dân trí, KTS Nguyễn Hoàng Phương, đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, với hàng trăm, hàng nghìn di sản có giá trị thẩm mỹ, kiến trúc và lịch sử nằm trong lòng Phố cổ, nên việc bảo tồn toàn bộ là điều không thể. Trong đó, có hai nguyên nhân quan trọng là thiếu nguồn nhân lực và thiếu kinh phí.

“Hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn đang rất thiếu, nên chúng tôi không thể đề xuất trùng tu được hết tất cả các công trình di sản nằm trong Phố cổ được”, ông Phương nói.

Hàng nghìn nhà phố Pháp cổ chờ sập tại Hà Nội: Cứu hết là điều không thể - 4

Giới chuyên gia nhận định, rất khó để bảo tồn tính nguyên vẹn của Phố cổ.

Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho việc bảo tồn di tích cũng eo hẹp, hầu hết là dựa vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cần phải xác định công trình nào, di sản nào có thể bảo tồn, trùng tu được thì tập chung mọi nguồn lực.

Còn với di tích không thể cải tạo, ông Phương nhìn nhận, chính quyền Hà Nội nên có phương án thay thế bằng các công trình mới, phù hợp với xu thế hiện đại.

Hiện nay, có nhiều luồng thông tin cho rằng, trong lòng Phố cổ Hà Nội có xu hướng “đập bỏ” công trình kiến trúc đặc biệt, để dành quỹ đất xây nhiều khách sạn cao tầng, khiến cho không gian Phố cổ trở nên lộn xộn, nhốn nháo.

Phản bác điều này, KTS Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, trước quy luật phát triển kinh tế, du lịch, việc “đập bỏ” các công trình không có khả năng cải tạo, trùng tu và để dành quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ cho du lịch là tất yếu.

“Không chỉ riêng Phố cổ Hà Nội, nếu du khách đi tới Paris (Pháp), London (Anh) hoặc bất kỳ thành phố di sản nào trên thế giới cũng sẽ thấy các công trình hiện đại, như khách sạn, khu vui chơi hoặc các trung tâm thương mại, mua sắm được xây dựng xen kẽ với các công trình có giá trị lịch sử”.

Đại diện của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội giải thích, mục đích của các công trình này chính là để quảng bá và phát triển du lịch. Trong trường hợp, một thành phố di sản, không có các công trình phục vụ cho du lịch như khách sạn, trung tâm thương mại, thì không thể phát triển được ngành du lịch.

“Tuy nhiên, việc đưa các công trình hiện đại vào trong lòng Phố cổ phải được quy hoạch cẩn thận và phải hạn chế tối đa các trường hợp xây dựng trái phép”, ông Phương nhìn nhận.

Hàng nghìn nhà phố Pháp cổ chờ sập tại Hà Nội: Cứu hết là điều không thể - 5

“Mục đích của các công trình hiện đại chính là để quảng bá và phát triển du lịch”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS.KTS Trần Minh Tùng, Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, việc “cứu” các công trình kiến trúc có giá trị tại Hà Nội hiện nay đang khó khăn và nảy sinh ra nhiều vấn đề.

Trong đó, do hoàn cảnh lịch sử, một công trình có giá trị lịch sử kiến trúc, ví dụ như biệt thự Pháp tư hữu có nhiều chủ sở hữu. Để “cứu” các di sản đó, nhất thiết phải có sự đồng lòng của tất cả chủ sở hữu căn biệt thự. Tuy nhiên, một gia đình có hai anh em còn không dễ dàng đồng lòng được, chứ đừng nói gần chục chủ đó cùng đồng lòng. Đó cũng là một cái khó.

“Cần phải xác định nhà nào giữ được để chúng ta tập trung nguồn lực vào việc tôn tạo, bảo vệ và phát triển, còn nhà nào không thể giữ được nữa thì “giải phóng”, không làm khó cả người dân lẫn chính quyền. Tất nhiên, đây lại là một quan điểm tương đối “nhạy cảm” mà không phải ai cũng có thể chấp nhận”, TS.KTS Trần Minh Tùng nói.

Việt Vũ (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.