12/06/2017 8:02 AM
Gần đây, liên tiếp các công trình sai phạm về xây dựng bị cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ thi công. Thậm chí, biện pháp mạnh nhất là quyết định đập phần sai phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện, còn cơ quan chức năng chần chừ.
Tòa nhà Sky City Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) sau lùm xùm việc biến một phần diện tích tầng kỹ thuật và tầng mái thành 6 căn penthouse, thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc. Sau hơn một năm kết luận thanh tra, tòa nhà vẫn tồn tại những công trình sai phạm trên. Một cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng phụ trách dự án cho biết, thanh tra đã gửi văn bản yêu cầu cưỡng chế. Tuy nhiên, cưỡng chế khó vì chủ đầu tư đã bán lại những căn hộ đó cho khách hàng và việc phá nhà của dân rất khó khăn.
Mới đây nhất, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký văn bản trình UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn về hành vi thi công công trình sai giấy phép được cấp tại dự án chung cư Mỹ Sơn (62 Nguyễn Huy Tưởng) vì vượt tầng. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 1,5 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng được cấp và buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp. Hiện công trình đang bị dừng thi công song việc chủ đầu tư có phá dỡ phần sai phạm hay không chỉ có thời gian trả lời.
Dự án Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) cũng dính lùm xùm khi chủ đầu tư biến ô thoáng thành căn hộ để bán cách đây nửa năm. Nhưng cho đến nay, công trình đã đi vào sử dụng còn thanh tra cũng chỉ dừng ở mức phạt.
Câu chuyện phạt xong rồi để đó cũng diễn ra tại nhiều chung cư: Hồ Gươm Plaza (Hà Đông) tự ý chia nhỏ diện tích căn hộ; chung cư cao cấp BMM (Hà Đông) xây thêm tầng; Dự án Chung cư Star (283 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) biến tầng kỹ thuật thành văn phòng; dự án 165 Thái Hà...
Do pháp luật “lỏng”?
Ông Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, các quy định hiện hành pháp luật không rõ và không chuẩn mực trong việc thực hiện xử phạt các công trình sai phạm về xây dựng.
Luật sư Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Luật Hà Việt phân tích, theo quy định trước đây (Luật Xây dựng 2003 - PV), để đình chỉ công trình xây dựng không phép, phường được quyền cắt điện, cắt nước. Khi đó chủ đầu tư không thể nào làm tiếp được. Thế nhưng bây giờ Luật Xây dựng 2014 không cho phép cắt điện, cắt nước nữa. Điều này khiến chủ đầu tư bất chấp, tiếp tục thi công.
Ngoài ra, theo luật sư Luân, việc phạt tiền, hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động, buộc phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, buộc khôi phục tình trạng ban đầu (khoản 3 Điều 7). Ứng với Luật Xây dựng 2014 (có hiệu lực từ đầu năm 2015) thì nhiều quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, theo hai nghị định 180/2007 và 121/2013 đã không còn phù hợp.
“Điều đáng nói là việc thực hiện quy định nộp “chuộc” từ lâu đã bộc lộ nhiều bất ổn. Không chỉ lúng túng, khó xác định số tiền phải nộp đối với các công trình “gạo đã thành cơm” theo yêu cầu của nghị định 121/2013, chính quyền ở nhiều nơi còn có sự lạm dụng “châm chước” ấy để đặt mọi việc vào chuyện đã rồi. Thay vì bắt buộc các chủ đầu tư phải tháo dỡ ngay các diện tích vi phạm và tổ chức cưỡng chế thực hiện thì nhiều địa phương đã chấp thuận cho họ tiếp tục hoàn thành công trình sau khi đóng phạt”, luật sư Luân nói.
Duy Bách (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.