Hàng loạt vụ vỡ nợ tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... quy mô hàng trăm tỷ đồng đã bị phanh phui và những vụ vay mượn này chủ yếu đầu tư vào các thị trường BĐS, tài chính...
Đó là chưa kể những lùm xùm của dự án Nam An Khánh khiến Thanh tra Chính phủ phải đề xuất tạm dừng dự án, điều này cũng làm cho thị trường BĐS càng trở nên u ám. Thực tế này được minh chứng khi giá đất chào bán tại các dự án đình đám như Vân Canh, Splendora (Bắc An Khánh), Glemximco... liên tục giảm mạnh. Đơn cử, tại Geleximco, giá đất liền kề các trục đường nhỏ giảm khoảng 3 -5 triệu đồng, còn 38 triệu đồng/m2, liền kề trục đường to giảm khoảng 7 triệu đồng, còn 45 - 48 triệu đồng/m2.
Ở khu đô thị Văn Khê, đối với nhà liền kề đường nhỏ mức dao động từ 80-84 triệu/m2, liền kề đường 17m2 là 100 triệu/m2, liền kề đường 24 m2 từ 105-110 triệu/m2. Riêng biệt thự, dao động trên dưới 70 triệu/m2 tùy thuộc vào đường, hướng đi. Chung cư diện tích từ 90-100m2 dao động từ 20-22 triệu/m2, tuy nhiên diện tích nhỏ hơn thì giá giao dịch cao hơn như diện tích từ 74-80m2 giá từ 23-24 triệu/m2, diện tích chỉ 60m2 giao dịch lên tới 25-26 triệu/m2.
Cùng với đó, giá đất tại dự án Vân Canh so với vài tháng trước đây hiện cũng đã giảm khoảng 5 - 6 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, những lô đường 12 m, giá còn khoảng 40 - 41 triệu đồng/m2, lô đường to 50 - 55 triệu đồng/m2. Với mức giá này, theo tính toán của giới đầu tư so với thời điểm sốt nóng cách đây vài tháng thì mỗi suất đất cũng đã mất đi tới 500 triệu, thậm chí lê cả tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá đất liền kề tại dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đã nhanh chóng sụt giảm từ 3 - 5 triệu đồng/m2 ngay sau khi Thanh tra Chính phủ đề xuất dừng dự án này. Ví như: đất phân lô nằm trên các mặt đường bé hiện chỉ còn khoảng 28 - 30 triệu đồng/m2, các lô gần mặt đường to hoặc gần hồ dao động quanh mức 50 - 55 triệu đồng/m2, trước khi có đề xuất dừng dự án thì giá trên 60 triệu đồng/m2.
Theo những người trong ngành nhận định, việc giá các BĐS giảm hơn trước đều nhằm bán được hàng để thu tiền về trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay. Thế nhưng, điều đáng nói là giá giảm mạnh nhưng thị trường vẫn hầu như không có giao dịch.
Một số chuyên gia phân tích, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn do sức ép đáo hạn của các khoản vay trước ngày càng tăng đặc biệt thời điểm 31.12 (dư nợ cho vay phi sản xuất phải kéo xuống 16%) ngày càng đến gần trong khi vay mới dường như rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang bắt đầu cuộc chơi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong đó lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 30%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng. Điều này cũng khiến thị trường vốn đang thiếu lại càng thiếu hơn vì ngân hàng lớn sẽ tập trung cho vay trên thị trường liên ngân hàng vì lãi suất cao, đảm bảo tính an toàn.
Đặc biệt, làn sóng vỡ nợ đang xảy ra
hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư BĐS cũng đã có sự nghi ngại, lo lắng về
sự phát triển và tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới nhất là
trong bối cảnh thị trường đang rơi vào trạng thái “đóng băng” lâu nay.
Liệu rằng, việc hàng loạt các vụ vỡ nợ xảy ra có khiến thị trường BĐS tiếp tục “u ám” hơn? Thị trường liệu sẽ có được tạo “sóng” khi thiếu vắng đi bóng dáng của một số đại gia trong làng BĐS?