Các danh nghiệp trên toàn thế giới đang phải trì hoãn đầu tư và cắt giảm việc làm do những hạn chế đi lại nghiêm ngặt, đặc biệt là ở châu Á, gây ảnh hưởng nặng nề lên mọi hoạt động kinh tế từ sản xuất đến giáo dục.

Quang cảnh đìu hiu tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 8/2021

Thiệt hại kinh tế từ các hạn chế đi lại của Covid-19 đang ngày càng chồng chất. Nhiều công ty phải dừng tiến hành các thương vụ đầu tư lớn hoặc trì hoãn các quyết định kinh doanh do biên giới đóng cửa và thủ tục nhập cảnh kéo dài hơn thường lệ.

Tình hình diễn ra nghiêm trọng nhất ở châu Á. Các chính phủ lo ngại về biến thể Delta vẫn tiếp tục duy trì các hạn chế đi lại đã áp dụng trong hơn một năm qua. Trung Quốc hầu như đóng cửa biên giới kể từ tháng 3 năm 2020. Nhật Bản, Úc, Singapore và các quốc gia khác vẫn đang phong tỏa biên giới hoặc yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh.

Những hạn chế này được nới lỏng hơn ở châu Âu, Nam Mỹ và các nơi khác. Nhưng tựu chung lại, chúng đang kéo dài nỗi đau của mọi hoạt động kinh tế bao gồm cả du lịch và giáo dục đại học. Chúng cũng buộc các công ty phải suy nghĩ lại về chiến lược mở rộng ra nước ngoài, đồng thời tước bỏ cơ hội để duy trì tăng trưởng của nhiều quốc gia nơi dịch bệnh đã giảm bớt.

François Grezes là Giám đốc sản xuất phụ trách khu vực châu Á tại D3O, công ty sản xuất đồ bảo hộ cho người lái xe mô-tô và người chơi khúc côn cầu của Anh. Ông đã phải quản lý đội ngũ nhân sự tại Trung Quốc từ xa trong suốt một năm do không xin được thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc.

Ông cho biết D3O muốn tìm thêm đối tác sản xuất, tuyển dụng thêm nhân viên và lắp đặt thiết bị kiểm thử tại cơ sở ở Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng vọt. Tuy nhiên, những kế hoạch đó phải tạm dừng vì D3O không có quản lý cấp cao ở Trung Quốc.

Ông Grezes nói: “Thị trường đang bùng nổ, nhưng chúng tôi không thể tạo ra sản phẩm đủ nhanh”.

Vào tháng 7, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Trung Quốc cho biết các hạn chế đi lại liên quan đến Covid là một trong ba thách thức hàng đầu đối với các thành viên trong năm nay. Người nước ngoài cần có sự chấp thuận đặc biệt của chính phủ để nhập cảnh vào Trung Quốc. Họ cũng phải thực hiện việc cách ly, có thể kéo dài đến 28 ngày tại một số thành phố. Gần 30% số người mà hội đồng này thăm dò ý kiến ​​đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định kinh doanh quan trọng vì các giám đốc điều hành không thể tới Trung Quốc.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở miền Nam Trung Quốc, trung tâm sản xuất của quốc gia này, cho biết việc thiếu thị thực dành cho khách công vụ đã khiến số lượng dự án sụt giảm. Các doanh nghiệp không thể đầu tư các dự án lớn (từ 250 triệu USD), xây dựng cơ sở mới, hay cử kỹ sư giám sát xây dựng và dây chuyền sản xuất tới Trung Quốc.

Nhân viên hải quan tại sân bay ở Bắc Kinh yêu cầu hành khách quét mã QR để khai báo lịch trình di chuyển

Tổ chức này cho biết tổng nguồn vốn tái đầu tư tại đây sẽ vẫn ổn định khi các công ty chuyển sang các kế hoạch chi tiêu nhỏ hơn như mở rộng các nhà máy hiện có. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các khoản tái đầu tư lớn sẽ tác động nghiêm trọng đến sản lượng sản xuất của Trung Quốc từ hai đến ba năm tới.

Jake Phipps, người sáng lập Phipps & Co., một doanh nghiệp trang trí nội thất ở New York, đã nhập sản phẩm từ Trung Quốc trong gần hai thập kỷ. Ông Phipps nói, việc không thể đến Trung Quốc đã khiến họ khó tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với các chủ nhà máy để duy trì mức giá cạnh tranh.

Ông cho biết: “Các chuyến thăm quan nhà máy là nơi bạn gặp các chủ xưởng, thiết lập mối quan hệ, và thương lượng về chiết khấu. Điều đó đang biến mất vì hạn chế đi lại”.

Các rào cản đi lại cũng đã làm trầm trọng thêm các vấn đề khác ở châu Á, bao gồm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, chi phí vận chuyển tăng cao và căng thẳng địa chính trị.

Trong một bức thư ngỏ vào tháng 8 gửi tới đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam, Phòng Thương mại Châu Âu cảnh báo rằng việc hạn chế đi lại có thể khiến nhiều người nước ngoài rời đi và đe dọa vị thế trung tâm kinh doanh quốc tế của Hồng Kông. Du khách nhập cảnh vào thành phố này phải cách ly lên đến 3 tuần.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Tokyo lo ngại rằng việc hạn chế đi lại và kiểm dịch gắt gao đang làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của họ. Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản trong tháng này đã đề xuất mở cửa biên giới Nhật Bản cho những người nước ngoài đã được tiêm vắc-xin. Họ lo ngại Nhật Bản sẽ tụt hậu so với Hoa Kỳ và Châu Âu, những nơi đã cởi mở hơn với du khách quốc tế. Hiện tại, Nhật Bản cấm gần như tất cả các du khách nước ngoài nhập cảnh ngắn hạn và yêu cầu du khách phải tự cách ly 14 ngày.

Tại Úc, các trường đại học đã phải vật lộn để xin cấp thị thực cho sinh viên quốc tế kể từ tháng 3 năm 2020, khi Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố đóng cửa biên giới đối với những người không phải công dân Úc và không có thẻ cư trú dài hạn tại Úc.

Học phí dành cho sinh viên quốc tế giảm đã làm thiệt hại 1,8 tỷ đô la và 17.000 việc làm trong ngành giáo dục đại học của Úc. Trong năm 2021, ngành này sẽ tiếp tục thiệt hại ít nhất 2 tỷ đô la và phải cắt giảm thêm hàng nghìn việc làm.

Tại Singapore, phong tỏa biên giới đã khiến việc đưa lao động nhập cư từ các nước như Ấn Độ và Bangladesh vào quốc gia này trở nên khó khăn hơn, làm trì hoãn các dự án xây dựng. Các nhà thầu đã vận động chính quyền mở cửa các biên giới có chọn lọc để giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực.

Dữ liệu của chính phủ Singapore cho thấy số lượng công nhân làm việc tại đây vào năm 2020 ít hơn 52.000 người so với năm trước đó. Thiếu hụt lao động khiến lương và các chi phí khác tăng cao. Các nhà thầu phải trả khoảng 4.500 đô la để một công nhân cách ly trong vòng 4 tuần.

Trong khi đó, tác động của các hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đối với hoạt động du lịch vẫn tiếp tục chồng chất.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, tính đến tháng 6/2021, 70% điểm đến ở Châu Á - Thái Bình Dương được coi là “đóng cửa hoàn toàn”. Con số này tại Châu Âu là 13%, Châu Mỹ 20%, và Trung Đông 31%.

Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới, ngành du lịch và lữ hành toàn cầu thiệt hại 62 triệu việc làm và gần 4,5 nghìn tỷ đô la trong năm 2020, tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của Đức. Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cho biết du lịch quốc tế trong năm 2020 chỉ bằng khoảng 20% ​​so với năm 2019.

Nhiều công ty đã giải quyết các hạn chế đi lại bằng các cuộc họp và hội nghị trực tuyến. Thương mại quốc tế là một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu khi hầu hết các doanh nghiệp nhận thấy họ có thể tiếp tục đặt hàng và nhận hàng hóa từ nước ngoài mà không cần phải đi lại nhiều.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ đầu tư vào các quốc gia đang bị hạn chế đi lại khi cân nhắc tới triển vọng tương lai, bao gồm cả Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân của Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 101 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Chủ đề: Kinh tế thế giới,
Lam Vy (WSJ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.