Giữa năm 2017, TP Hải Phòng thu hồi đất phục vụ một dự án trên địa bàn. Gần 1,2 ha đầm thủy sản của hộ anh Lê Đức Trọng (xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) bị thu hồi. Gần 3.000 m2 đất làm muối, trồng cây lâu năm của mẹ anh Trọng cũng trong vùng dự án.
Bồi thường, hỗ trợ theo hạn mức bình quân
Tuy nhiên, khi huyện công bố phương án bồi thường, anh Trọng không đồng tình vì huyện áp hạn mức bình quân đất nông nghiệp của xã Nghĩa Lộ là 1.706 m2/nhân khẩu làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ.
Theo phương án bồi thường của huyện, hộ anh Trọng chỉ có hai nhân khẩu nên chỉ được có 3.412 m2 nằm trong hạn mức là được bồi thường, hỗ trợ 100% (với giá 48.000 đồng/m2). Diện tích còn lại chỉ được hỗ trợ bằng 20% (giá 9.600 đồng/m2) vì ngoài hạn mức bình quân của xã.
Còn gần 3.000 m2 đất của mẹ anh Trọng, chỉ có 1.706 m2 được bồi thường đủ 100% (giá 60.000 đồng/m2), số còn lại chỉ được hỗ trợ 20% (giá 12.000 đồng/m2).
Cho rằng huyện Cát Hải đã công nhận toàn bộ quyền sử dụng đất nhưng khi bồi thường lại áp dụng hạn mức đất nông nghiệp bình quân là không đúng, gây thiệt thòi quyền lợi nên gia đình anh Trọng đã khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
Tháng 5-2018, huyện Cát Hải bác khiếu nại của gia đình anh Trọng vì cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ theo quy định và hướng dẫn của TP Hải Phòng.
Sau khi bàn giao đất để thực hiện dự án, gia đình anh Trọng tiếp tục khiếu nại lên UBND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, hơn một năm qua TP Hải Phòng vẫn chưa có câu trả lời.
Khu đầm của một hộ dân tại xã Văn Phong, huyện Cát Hải bị thu hồi nhưng chỉ được bồi thường trong hạn mức bình quân, phần vượt chỉ được hỗ trợ 20%. Ảnh: Đ.Hoàng.
Cấp giấy một đằng, bồi thường một nẻo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1994, Hải Phòng giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/1993. Huyện Cát Hải không thực hiện việc giao lại đất nông nghiệp theo hạn mức bình quân mà giao đất, cấp giấy đỏ cho các hộ theo hiện trạng sử dụng.
Hơn 1.000 m2 đất làm muối của mẹ anh Trọng được cấp giấy đỏ từ năm 1995. Khu đầm thủy sản gần 1,2 ha của hộ anh Trọng được huyện Cát Hải cấp giấy đỏ vào năm 2015 theo Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, tháng 5-2017, khi Hải Phòng có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án, huyện Cát Hải đề xuất áp dụng hạn mức bình quân của từng xã. Cách tính là lấy diện tích đất nông nghiệp (không tính đất công ích 5%) của từng xã chia cho số nhân khẩu lao động nông nghiệp năm 1995. UBND TP Hải Phòng đồng ý cách áp dụng hạn mức bình quân này và xã Nghĩa Lộ xác định hạn mức để tính toán bồi thường là 1.706 m2/nhân khẩu.
Tuy nhiên, theo Nghị định 47/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013. Cụ thể, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 2 ha. Như vậy, việc áp dụng hạn mức bình quân mà huyện Cát Hải áp dụng sai với quy định của pháp luật.
Được biết UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo Thanh tra TP kiểm tra, xác minh khiếu nại của hộ anh Trọng. Thanh tra xác định UBND huyện Cát Hải áp dụng không đúng hạn mức đất nông nghiệp trong bồi thường, hỗ trợ. Cách áp dụng hạn mức giao đất nông nghiệp bình quân theo nhân khẩu để bồi thường là không có căn cứ.
Áp dụng hạn mức bình quân tất cả dự án
Hiện nay Thanh tra TP Hải Phòng cũng đang xác minh trường hợp khiếu nại của các hộ dân ở xã Văn Phong, huyện Cát Hải và nhiều trường hợp có khiếu nại khác vì huyện bồi thường theo hạn mức bình quân đất nông nghiệp của từng xã.
Chỉ riêng bốn dự án lớn đang triển khai tại huyện này đã có tới hàng trăm hộ với hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị thu hồi được huyện áp dụng hạn mức này. Hiện tại có rất nhiều hộ dân mặc dù đã nhận tiền bồi thường, bàn giao đất nhưng vẫn kiến nghị, khiếu nại.
Theo ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, huyện đang chờ UBND TP Hải Phòng làm việc với Bộ TN&MT để có câu trả lời về vấn đề này.
Riêng trường hợp khiếu nại của anh Lê Đức Trọng, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Tùng nói sẽ cho kiểm tra. Sau đó, PV liên hệ lại nhiều lần nhưng ông Tùng không trả lời.
GS Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ TN&MT, cho hay: Từ năm 1994, UBND huyện Cát Hải đã không giao lại đất nông nghiệp theo hạn mức bình quân nhân khẩu mà công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thì nay không thể áp dụng hạn mức bình quân khi bồi thường, hỗ trợ.
Theo GS Võ, việc bồi thường, hỗ trợ phải tính theo diện tích thực tế hộ gia đình sử dụng, hạn mức không vượt quá 2 ha theo quy định của Luật Đất đai 2013.
-
Hải Phòng thu hút hơn 3,5 tỷ USD chỉ trong tháng đầu năm
TP. Hải Phòng mới đây đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 6 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 3,5 tỷ USD.
-
VCBS: Mặt bằng giá bán Cát Bà Amatina Hải Phòng kỳ vọng đạt khoảng 100 triệu đồng/m2
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, những chuyển biến tích cực trong giai đoạn gần đây đem đến kỳ vọng VCG sẽ tái khởi động dự án Amatina Cát Bà bằng cách mở bán lô lớn trong năm 2025....
-
Dự án Khu đô thị Tràng Cát Hải Phòng tăng vốn đầu tư thần tốc từ 6.300 tỷ đồng lên 69.000 tỷ
Chiều 16/1, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 1511 ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.