30/09/2019 1:05 PM
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, nhiều hộ dân nằm trong phạm vi thực hiện dự án Nam cầu Bính (quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng cho rằng, hàng trăm m2 “đất vàng” đã sử dụng ổn định và xây dựng nhà ở kiên cố nhưng lại xác định là đất lấn chiếm, thu hồi với mức giá 0 đồng.

Trong đơn thư gửi đến báo Tiền Phong, nhiều hộ dân sinh sống tại Tổ mặt bằng 4, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng (TP.Hải Phòng) bức xúc cho rằng, việc Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đầu tư xây dựng Nút giao thông Nam cầu Bính với giá 0 đồng cho hàng nghìn m2 “đất vàng” là không thoản đáng.

Dự án này do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng làm chủ đầu tư với vốn đầu tư lên đến 1.482,6 tỷ đồng, quy mô của dự án trong phạm vi nút giao bao gồm cải tạo đường Hồng Bàng (hay còn gọi là đường 2A).

Hiện trong số 63 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất thực hiện dự án này, có đến 28 hộ dân đang khiếu nại về các vấn đề thu hồi, bồi thường. Đơn cử, gia đình ông Đồng Duy Nhiên (Tổ mặt bằng 4, phường Sở Dầu) bị thu hồi 141,5m2 đất ở, tuy nhiên chỉ được nhận đền bù cho 7,1m2 với giá 80.000đ/m2, số diện tích còn lại (134 m2) được áp giá 0 đồng.

Trong đơn phản ánh, nhiều hộ dân cho biết đã ở ổn định từ trước năm 1995 và đã được cấp phép xây dựng nhà kiên cố nhưng vẫn bị xác định đất lấn chiếm và áp giá 0 đồng.

Lý do được đưa trong phương án bồi thường do Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng lập là "Đất lấn chiếm do phường Sở Dầu quản lý, đã được thu hồi và đền bù GPMB đường 2A năm 2000 nhưng bị lấn chiếm trở lại".

Theo người dân, diện tích đất bị thu hồi hầu hết đều được các hộ dân sử dụng từ trước năm 1980 (thời điểm sử dụng đất đủ điều kiện công nhận đất ở). Trên đất đều đã có nhà kiên cố, người dân sinh sống ổn định. Có những hộ đã được cấp giấy phép xây dựng nhà kiên cố.

Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án nút giao thông Nam cầu Bính, UBND quận Hồng Bàng lại căn cứ vào hồ sơ địa chính (bản đồ và sổ mục kê lập năm 1995) để xác định nguồn gốc đất, từ đó cho rằng, đất bị thu hồi chủ yếu là đất do phường quản lý hoặc đất đã được bồi thường bởi dự án làm đường 2A năm 2000.

Để xác định việc đất lấn chiếm, UBND quận Hồng Bàng đưa ra một "Bình đồ" có nội dung đường 2A có chiều rộng hơn 40 m. Căn cứ vào đó, quận Hồng Bàng đã đưa ra nhận định về nguồn gốc đất của người dân bị thu hồi có một phần diện tích đã được thu hồi và hỗ trợ GPMB từ năm 2000.

Thu hồi đất giá 0 đồng có thỏa đáng?

Người dân cho rằng, tuyến đường 2A (đoạn nối QL5 phía Nam và QL5 phía Bắc) theo Quyết định số 3484/QĐ-GTVT-KHĐT ngày 21/12/1998 của Bộ Giao thông vận tải quy định chiều dài mặt cắt ngang của mặt đường là 18m, chiều dài mặt cắt ngang của cả nền đường (gồm mặt đường, vỉa hè) là 28m. Như vậy, việc lấy cơ sở đường 2A có chiều ngang 40m để xác định nguồn gốc đất bị thu hồi là đất lấn chiếm có đúng với thực tế, có đúng với quy định của pháp luật?.

“Quyết định số 3484 của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ mặt đường A2 là 18m, chiều dài mặt cắt ngang của cả nền đường là 28m. Vậy, làm gì có chuyện đường 2A có diện tích hơn 40m? Tại sao, sai lệch lớn như vậy, mà không lấy đó làm căn cứ để xác định diện tích đất thu hồi là của người dân hay lấn chiếm, mà lại dựa vào một cái "Bình đồ" mới kia?”, ông Nguyễn Đình Trung, Tổ trưởng tổ dân phố Mặt bằng 4 dẫn giải.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết ý kiến về phương án bồi thường một cách thoả đáng, đúng quy định.

Cũng theo ông Trung, Quyết định thu hồi bao nhiêu m2 thì năm 2000 vẫn còn đấy, các hộ dân yêu cầu cung cấp bản vẽ, hồ sơ thiết kế thi công đường để đối chất làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa được cung cấp.

Nhiều người dân cũng cho biết, có hai thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất: Ngày 23/11/2018 (lần đầu), đã gửi Quyết định đến cho các hộ dân nhưng không hiểu lý do gì chưa được triển khai. Đến ngày 26/7/2019, UBND quận Hồng Bàng lại tiếp tục ban hành Quyết định thu hồi đất lần hai (hủy bỏ QĐ lần đầu).

"Các quyết định thu hồi đất năm 2018 đều bị thay thế và không có hiệu lực nữa. Vì vậy, khi tiến hành thu hồi diện tích đất mới (diện tích thu hồi năm 2019 lớn hơn năm 2018) phải tiến hành thông báo thu hồi đất, lấy ý kiến các hộ dân bị thu hồi, tiến hành kiểm đếm lại (vì diện tích và tài sản thay đổi, biến động). Tuy nhiên, UBND quận đã không thực hiện những thủ tục trên đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất là không thỏa đáng", đại diện các hộ dân cho biết.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Hưng - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng cho biết, đã nắm được nội dung người dân phản ánh và sẽ trả lời bằng văn bản sau. Trong khi đó, PV cũng liên hệ làm việc với UBND phường Sở Dầu, để làm rõ những phản ánh của người dân nhưng nay vẫn không có phản hồi.
Đình Phong (TPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.