Một góc công viên PG Rồng Biển - dự án nợ tiền sử dụng đất nhiều năm nay. Ảnh: Ngọc Thụy
Đề xuất này được các quận, huyện đưa ra sau khi kiểm tra, rà soát thực tế.
Số tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp còn nợ rất lớn, trong đó, có doanh nghiệp số nợ lên tới trên 30 tỷ đồng.
Đơn cử như Công ty cổ phần xây dựng số 5 – Inaconex, phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn). Năm 2008, Công ty được giao hơn 21,2 ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà nghỉ bán theo cơ chế kinh doanh. Đến nay, sau gần 8 năm được giao đất, công ty này vẫn chưa chấp hành việc nộp tiền sử dụng đất và số nợ lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án chậm nộp tiền sử dụng đất kéo dài khác như dự án khu nhà ở Đầm Trung, phường Đằng Giang (Ngô Quyền) do Công ty CP Đầu tư Cửa Long làm chủ đầu tư; dự án phát triển khu nhà ở phường Vạn Mỹ (Ngô Quyền) của HTX Xí nghiệp sản xuất giấy Đức Dương; hay dự án PG Rồng Biển của Công ty cổ phần PG Rồng Biển;…
Theo các quận, huyện của Thành phố, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, phổ biến là do các doanh nghiệp chây ỳ, không chịu nộp tiền sử dụng đất. Tình trạng này thường thấy ở những dự án xây dựng nhà ở, thậm chí chủ đầu tư bàn giao nhà nhưng vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất.
Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, Hải Phòng đã đưa ra nhiều biện pháp. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là rà soát phân tích nợ của từng dự án, từng doanh nghiệp để có biện pháp thu phù hợp. Đồng thời, xem xét hình thức gia hạn, phân kỳ nộp theo từng quý để các chủ đầu tư dễ dàng nắm bắt, chủ động sắp xếp nguồn tiền nộp, tạo cơ hội doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, song kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Sắp tới, Hải Phòng sẽ mạnh tay xử lý những doanh nghiệp cố tình chậm nộp tiền sử dụng đất, hay nợ đọng tiền sử dụng đất kéo dài. Năm 2016, chính quyền các quận, huyện của Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi đất của các dự án này.
Trong đó, quận Ngô Quyền kiến nghị thành phố thu hồi đất của 18 doanh nghiệp; quận Đồ Sơn đề nghị thu hồi đất của 2 doanh nghiệp; quận Kiến An đề xuất thu hồi đất đang giao cho 7 doanh nghiệp và huyện Thủy Nguyên đề xuất thu hồi 11 dự án của 11 doanh nghiệp đang triển khai tại địa bàn.