Ông Chính cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim 2018 trong vòng hai năm tới.
Dưới góc nhìn đầu tư ngắn hạn từ 3-5 năm, ông Nguyễn Đức Chính, Phó tổng giám đốc, Công ty cổ phần bất động sản Thế kỷ - Cen Land, chỉ ra 3 loại hình bất động sản nổi bật thời gian vừa qua là: bất động sản khu công nghiệp, bất động sản ven đô và bất động sản đô thị nghỉ dưỡng.
Trong đó, hai phân khúc bất động sản có xu hướng tăng rõ rệt, đầu tiên là bất động sản khu công nghiệp và bất động sản đô thị công nghiệp phụ trợ phát triển cho khu công nghiệp.
Phân khúc này chứng kiến sự tăng giá và làn sóng đầu tư mạnh mẽ.
Theo ông Chính, xu hướng này không chỉ ở miền Bắc hay miền Nam mà ở tất cả các vùng miền, và khi có thông tin hình thành các khu công nghiệp lớn thì giá lại càng tăng.
Trong tầm nhìn dài hạn 10 năm, ông Chính cho rằng đây là kênh đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, nếu xét ở khung ngắn hạn, giá tăng quá nhanh trong thời gian qua từ 30-50%, thậm chí có nơi đã tăng 100%, thì cần phải có một nhịp điều chỉnh trước khi bắt đầu nhịp tăng trưởng mới để đón sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Phân khúc thứ hai cũng hình thành nên xu hướng phát triển, tăng trưởng tốt về mặt giá cả là bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Đặc biệt là các bất động sản ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Trước tác động của đại dịch, ông Chính cho rằng hành vi lựa chọn bất động sản của nhà đầu tư đang có nhiều thay đổi, trong đó chú trọng đến các sản phầm nghỉ dưỡng ven đô.
Theo lãnh đạo Cen Land, phân khúc đầu tư này có dư địa để tăng trưởng và phát triển mạnh trong thời gian tới, bởi các lý do như khả năng tăng trưởng theo chu kỳ của loại hình này, sự phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt, du lịch sẽ mang đến sức bật mạnh mẽ cho dòng bất động sản đô thị nghỉ dưỡng.
“Khi dịch ập đến, khách hàng nhận ra yếu tố sức khoẻ, nghỉ ngơi rất quan trọng, khiến họ phải tính toán đến những điều kiện tốt nhất cho tương lai, quan tâm đến đời sống và trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống hơn”, ông Chính cho hay.
Dự báo về tương lai của phân khúc này, ông Chính cho rằng sau đại dịch, thị trường bất động nghỉ dưỡng giống như chiếc lò xo bị nén sẽ bật dậy mạnh mẽ và bùng nổ.
Đây cũng là xu hướng đầu tư trong thời gian tới, và nhiều khả năng năm 2022 và 2023 sẽ là thời kỳ đạt đỉnh của phân khúc này.
“Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch. Giống như chiếc lò xo bị nén, lực nén càng lớn thì sức bật càng mạnh”, ông Chính nhận định.
Lý giải cho nhận định trên, ông Chính đưa ra 2 yếu tố tác động chính.
Đầu tiên là yếu tố lạm phát. Cả thế giới hay Việt Nam đều đang chịu áp lực lạm phát rất cao. Lạm phát khiến giá các hàng hoá tăng lên, trong đó có bất động sản.
Riêng ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, năm 2018 là thời kỳ bùng nổ của nhiều sản phẩm như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… tạo nên một xu hướng đầu tư rất tốt. Năm 2018 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý cùng những “cú đấm bồi” liên tiếp của dịch bệnh gần 2 năm nay đã làm cho phân khúc này bị “ngủ đông”.
Ông Chính cho rằng mỗi loại hình bất động sản đều có tính chu kỳ. Vàng, chứng khoán, bất động sản là 3 loại hình sản phẩm luôn luôn song hành với nhau, song thời điểm tăng giá các sản phẩm lại lệch pha với nhau.
Khi vàng tăng thì chứng khoán giảm, khi chứng khoán tăng vàng lại giảm. Sau khi chu kỳ thị trường chứng khoán đạt đỉnh sẽ là một chu kỳ tăng trưởng của bất động sản.
Yếu tố thứ hai khiến chúng ta có thể kỳ vọng vào sức bật của bất động sản nghỉ dưỡng đến từ những động thái của Chính phủ.
Thời gian gần đây, Chính phủ rất quyết liệt trong việc vực dậy nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch.
Chẳng hạn như việc thí điểm hộ chiếu vaccine, đón khách nước ngoài cũng như kích thích mở lại các đường bay nội địa. Động thái này sẽ giúp thị trường du lịch tại Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Vũng Tàu sôi động trở lại khi đón lượng khách lớn từ nước ngoài và nội địa. Khi du lịch khởi sắc chắc chắn giá trị bất động sản cũng sẽ tăng mạnh.
Theo ông Chính, nếu 6 tháng tới, việc tiêm vaccine đạt được 60-70% thì nhu cầu quay trở lại du lịch sẽ rất nhanh.
Minh chứng rõ nhất là Trung Quốc. Quốc gia này đã có hơn 1 tỉ người đăng ký gói du lịch ngắn ngày trong tháng 10 tới. Đây là một con số lớn, chứng tỏ nhu cầu du lịch sau dịch của người dân là rất lớn, và nhiều khả năng Việt Nam cũng sẽ như vậy.
-
Cấp sổ đỏ cho condotel và nỗi lo hệ luỵ dài hạn
Chuyên gia pháp lý lo ngại rằng, nếu vẫn cấp giấy chứng nhận cho loại hình căn hộ và biệt thự du lịch, thì những hệ lụy sau này sẽ khó lường, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đức Phượng, (Đoàn luật sư TP.HCM).
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.
-
Thanh Hoá tăng vốn, dời tiến độ cho một khu thương mại, nghỉ dưỡng
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Hoàng Tuấn tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn.