Đường kết nối ven biển mở ra cơ hội cho ngành du lịch phát triển. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ký ban hành Kế hoạch về việc triển khai Kết luận số 445-KL/TU, ngày 13/5/2022 của Tỉnh uỷ (khoá XVI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên phân bổ, bố trí đảm bảo nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, từng bước đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh cũng tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cụ thể, phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm như, mở rộng hầm Phước Tượng - Phú Gia, Quốc lộ 49A và 49B; cao tốc Cam Lộ - La Sơn; mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Phú Bài lên 9 triệu khách/năm.
Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử như tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đường Thuỷ Vân - Phú Đa, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc.
Ngoài ra còn có đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Hạ tầng Khu đô thị mới Thuận An, Hạ tầng kỹ thuật khung đi qua khu đô thị mới Mỹ Thượng,...
Tỉnh cũng đầu tư nâng cấp một số tuyến giao thông nội thị khu vực đô thị trung tâm như như đường Hà Nội, đường đi bộ Hai Bà Trưng, đường Bà Triệu, đường Nguyễn Gia Thiều, đường Lâm Hoằng nối dài,…
Về phát triển hạ tầng đô thị, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu; gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị.
Trong đó, tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng như quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.
Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính.
Chưa hết, Thừa Thiên Huế còn đầu tư phát triển thành phố Huế về phía biển, hoàn chỉnh đô thị Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại I; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Phong Điền, phấn đấu xây dựng huyện Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Phong Điền trước năm 2025; nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ theo định hướng phát triển của Tỉnh.
Đặc biệt là việc xây dựng thành phố Chân Mây; nâng cấp và hình thành các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Thanh Hà, Phú Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại V đến năm 2025; đô thị Lâm Đớt, Hồng Vân đến năm 2030.
Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp
Trong giai đoạn tới, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, góp phần phát triển ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo đó, tỉnh từng bước hoàn thiện các thiết chế hạ tầng để xây dựng đô thị Chân Mây - Lăng Cô, phấn đấu đạt đô thị loại III.
Ưu tiên hoàn thành các trục giao thông chính quan trọng như mở rộng hệ thống đường trung tâm đô thị Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập An, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), đê chắn cát Chân Mây, Đường trục chính kết nối Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương với QL1A, Đường nối Khu công nghiệp - Khu đô thị Chân Mây, Đường trục chính Khu công nghiệp kỹ thuật cao và Khu đô thị Chân Mây, Đường trục chính trung tâm khu du lịch Lăng Cô, Đường trục chính trong khu công nghiệp La Sơn, Đường trục chính trong khu công nghiệp Phú Đa…
Tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây (vị trí 1, 2, 3, 4); hạ tầng khu đô thị Chân Mây; dự án Bến du lịch và khu hậu bến cảng phục vụ khách du lịch; dự án đầu tư Bến du lịch và khu hậu bến cảng phục vụ khách du lịch; đầu tư bến cảng số 4, 5, 6, 7, 8 cảng Chân Mây,…
Mặt khác, tỉnh cũng xúc tiến đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, như khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây, các trung tâm logistics... và hạ tầng các khu công nghiệp như khu A - khu công nghiệp Phong Điền, khu công nghiệp Quảng Vinh và Phú Đa.
Chưa hết, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung phát triển hạ tầng văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Trong đó, hoàn thành Đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành phần hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh Khu đô thị Đại học Huế cho các trường đại học. Đến năm 2030, hoàn thành việc đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Huế tại phường An Tây, thành phố Huế bằng nguồn vốn vay ODA và từ nguồn vốn sắp xếp, xử lý nhà, đất của Đại học Huế.
Song song với đó là thực hiện dự án Đô thị giáo dục quốc tế Huế thuộc khu E - Đô thị An Vân Dương nhằm hình thành đô thị giáo dục quốc tế với đầy đủ các cấp bậc học từ Mầm non đến đào tạo sau Đại học. Qua đó, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân khắp cả nước và có thể mở rộng đối với du học sinh vùng Đông Nam Á,…
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021-2030 khoảng 150.000 tỷ đồng Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021-2030 khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 71.400 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 56.980 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 14.420 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 78.600 tỷ đồng. |
-
Khám phá kiến trúc độc đáo của Kinh thành Huế
Kinh thành Huế là khu di tích lịch sử thuộc nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế là điểm đến bạn không thể không ghé thăm khi đến du lịch tại cố đô Huế.
-
Vừa lên thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương này mời gọi loạt dự án nhà ở xã hội nghìn tỷ
Chỉ trong thời gian ngắn, TP. Huế đang mời gọi nhà đầu tư tham gia hàng loạt dự án nhà ở xã hội có tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trên địa bàn.
-
Tin vui cho người lao động tại thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam
Ngày 14/1, tại thành phố Huế, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế và Tập đoàn Changan Automobile (Trung Quốc) đã ký kết hợp tác và công bố kế hoạch xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô du lịch 5-7 chỗ ngồi....
-
Thành phố trực thuộc Trung ương “trẻ nhất” Việt Nam mời gọi đầu tư khu đô thị gần 1.200 tỷ đồng
Dự án đô thị đang được TP. Huế mời gọi doanh nghiệp đầu tư có quy mô 18.551m2 tại phường Thủy Vân, quận Thuận Hóa. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.