Ảnh minh hoạ
Năm 2024, UBND thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách là 25.105 tỉ đồng. Thống kê đến hết tháng 11/2024, số tiền thu được gần 18.600 tỉ đồng, đạt 74,08% so với kế hoạch.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc tổ chức tốt công tác đấu giá đất giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả cho tiếp cận và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Nội thừa nhận việc đấu giá đất trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là tình trạng giá khởi điểm thấp do được tính theo bảng giá đất tại Điều 159 Luật Đất đai 2024. Nhiều nơi có bảng giá đất thấp hơn giá thị trường, không có khả năng bù đắp được chi phí giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND các quận, huyện đã quy định đấu giá nhiều vòng bắt buộc với bước giá cụ thể nhằm đảm bảo mức giá sau các vòng sát với thị trường.
Tuy nhiên, Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản vẫn chưa điều chỉnh đầy đủ các nội dung như tiền đặt cọc thấp (bằng 20% giá khởi điểm); chưa có quy định nghiêm cấm hành vi thông đồng nâng giá hoặc “thổi” giá, dẫn đến tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá, sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc) hoặc không tiếp tục trả giá ở vòng tiếp theo, làm thất bại cuộc đấu giá và gây loạn giá thị trường.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cá nhân trúng đấu giá phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất, lãng phí nguồn lực đất đai. Trong khi đó, nhiều quận, huyện áp lực thu ngân sách nên vẫn tổ chức đấu giá đất.
Trước thực tế trên, UBND Thành phố đã chỉ đạo các địa phương cần hạn chế đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, ưu tiên đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Cập nhật, điều chỉnh Bảng giá đất: Ngày 6/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình UBND Thành phố quyết định điều chỉnh, bổ sung Bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố, áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/12/2025.
UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát phiên đấu giá; lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, công bố danh sách công khai.
Đề nghị Công an Thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất (Công an Thành phố đã vào cuộc và tạm giữ 5 đối tượng trả giá cao bất thường tại cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn).
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo không tổ chức đấu giá các khu đất/thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), chuyển quỹ đất này sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
-
Đà Nẵng đấu giá đất “vàng” đường Bạch Đằng với giá khởi điểm hơn 889 tỷ đồng
Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng đã có thông báo về việc đấu giá đất “vàng” trên đường Bạch Đằng với giá khởi điểm hơn 889 tỷ đồng.
-
Đấu giá đất huyện Mê Linh, giá trúng cao nhất hơn 97 triệu đồng/m2
Ngày 19/12, huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đấu giá quyền sử dụng 11 thửa đất tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, theo Hà Nội Mới.
-
Hà Nội: Hé lộ giá đất tại tuyến phố đắt nhất ở Hoàng Mai, Đông Anh
Theo bảng giá đất mới cập nhật, tuyến phố Minh Khai và tuyến đường Cao Lỗ - Quốc lộ 3 là hai nơi có giá đất cao nhất tại quận Hoàng Mai và huyện Đông Anh, Hà Nội.
-
Hôm nay (23/12): Đấu giá khu đất 4,4ha tại Hoàng Mai
Quyền sử dụng khu đất gần 4,4ha để xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị Nam hồ Linh Đàm sẽ được đưa ra đấu giá vào chiều nay (23/12). Giá khởi điểm khu đất là 86 triệu đồng/m2.
-
Chủ mới của dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi là ai?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Thăng Long Invest Group, mã: TIG) vừa công bố nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào (Bất động sản Hoa Anh Đào)....