Sáng 10/11, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình tại phường Đồng Tâm không chấp hành bàn giao đất để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, thực hiện Quyết định số 5860/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng), Ủy ban Nhân dân quận đã triển khai việc giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự của pháp luật.
Đến năm 2017, quận thực hiện xong đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động (thuộc địa bàn phường Vĩnh Tuy) với 349 hộ và 15 tổ chức, đã bàn giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố để thi công dự án. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc giải phóng mặt bằng dự án đoạn cầu Mai Động-Ngã Tư Vọng (thuộc địa bàn phường Minh Khai, Đồng Tâm, Trương Định).
Đến nay, Ủy ban Nhân dân quận đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 1.364/1.364 hộ dân và 61/61 tổ chức; trong đó, có 1.293 hộ và 45 tổ chức đã nhận tiền với số tiền đã chi trả là 3.847,238 tỷ đồng; 1.349 hộ dân và 58 tổ chức đã phá dỡ bàn giao mặt bằng. Riêng 264 hộ kinh doanh khu chợ Đồng Tâm, quận đã tổ chức giải phóng mặt bằng xong từ tháng 10/2019.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đến thời điểm tháng 8/2020, vẫn còn 15 hộ dân và 3 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng; trong đó, phường Đồng Tâm có 10 hộ, có 5 hộ đang chờ bàn giao nhà tái định cư (dự kiến sẽ bàn giao nhà trước 13/11/2020), còn 5 hộ gia đình tại 126 Đại La vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng, Ủy ban Nhân dân quận đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Thông tin về việc Ủy ban Nhân dân quận sau khi ban hành 18 quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 18 hộ dân và tổ chức trên, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết, cả hệ thống chính trị của quận và phường Đồng Tâm đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Kết quả, 13/18 hộ dân chấp hành bàn giao mặt bằng.
Về quá trình giải phóng mặt bằng, năm 2019, Ủy ban Nhân dân quận đã ban hành các quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án đối với 5 hộ trên. Do các hộ có nguồn gốc là đất công nên không được bồi thường, hỗ trợ về đất; tài sản được hỗ trợ theo quy định; chính sách tái định cư các hộ đủ điều kiện mua nhà với hệ số 1,3 nhân với đơn giá theo quy định. Mặc dù vậy, các hộ gia đình vẫn không chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và không nhận nhà tái định cư, đồng thời có kiến nghị, khiếu nại yêu cầu được bồi thường về đất.
Quận đã tổng hợp kiến nghị của các hộ dân báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xin cơ chế chính sách. Ngày 04/5/2020, thành phố có thông báo số 136/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án đường vành đai 2 (đoạn cầu Mai Động-Ngã Tư Vọng, quận Hai Bà Trưng). Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho phép hỗ trợ 50% về đất đối với các hộ tại 126 Đại La.
Căn cứ chỉ đạo của thành phố, Ủy ban Nhân dân quận đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án chi tiết điều chỉnh, bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với mức hỗ trợ 50% về đất. Về tái định cư, các hộ được mua 30m2 nhân với đơn giá mua nhà; từ 31m2 trở lên nhân hệ số 1,1 rồi nhân đơn giá mua nhà theo quyết định của thành phố.
Toàn cảnh đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Do số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất của các hộ không đủ tiền mua nhà tái định cư, trên cơ sở đề nghị của các hộ, Ủy ban Nhân dân quận tiếp tục báo cáo đề xuất thành phố có chính sách thuê, thuê mua nhà ở tái định cư và thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của quận, thành phố đồng ý chuyển từ hình thức mua nhà tái định cư sang hình thức thuê, thuê mua nhà ở tái định cư và thuê, thuê mua nhà ở xã hội nếu các hộ có nhu cầu.
Tuy nhiên, các hộ vẫn không đồng thuận nhận tiền, chọn hình thức tái định cư và không bàn giao mặt bằng mặc dù Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các phòng ban chức năng cùng Ủy ban Nhân dân phường Đồng Tâm tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động.
Căn cứ các quy định hiện hành cũng như chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 31/8/2020, Ủy ban Nhân dân quận đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 1 hộ gia đình; ngày 15/9/2020, tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ gia đình.
Tiếp đó, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định thành lập ban cưỡng chế, kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động, đối thoại thuyết phục và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Trên cơ sở đó, các thành viên ban cưỡng chế thu hồi đất đã nhiều lần, nhiều buổi tổ chức tuyên truyền vận động, đối thoại thuyết phục (trong đó quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban cưỡng chế thu hồi đất cũng trực tiếp đối thoại) nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ dân.
Thông tin mới nhất tại cuộc họp báo sáng 10/11, lãnh đạo phường Đồng Tâm cho biết, trong ngày 9/11, đã có thêm 2 hộ nhận tiền và chấp thuận bàn giao mặt bằng. Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn phường Đồng Tâm chỉ còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Bày tỏ quan điểm xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cho biết, quận vẫn tích cực tuyên truyền vận động, đối thoại thuyết phục, nếu 4 hộ này vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đợt vào ngày 13/11/2020.
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng khẳng định, việc tổ chức cưỡng chế sẽ thực hiện kiên quyết, dứt điểm theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho các hộ dân và lực lượng làm nhiệm vụ; đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực cưỡng chế.
-
Hà Nội: Đường vành đai 2 mở rộng, giá đất mặt phố "leo thang" từng ngày
Hưởng lợi lớn từ việc triển khai tuyến vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy (TP Hà Nội), đã "vô tình" đưa nhiều nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt tiền phố Trường Chinh, Đại La, Minh Khai.
-
Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam thế nào?
Từ ngày 10/11/2024, việc bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam được quy định trong Quyết định 31/2024/QĐ-UBND.
-
Chi tiết mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất tại Hà Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 24/2024/QĐ-UBND ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
-
Quy định chuyển tiếp về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thế nào?
Xin hỏi, quy định chuyển tiếp về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024 thế nào?