Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước phát triển ấn tượng về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trở thành một trong hai đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề quy hoạch và nguồn vốn cho xây dựng Thủ đô.

Năm 2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua một quyết định vô cùng quan trọng trong việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trong 5 phương án mở rộng Bộ Xây dựng trình, phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình đã được lựa chọn.

Ngày 01/8/2008, Hà Nội chính thức được mở rộng với hơn 3.300 km2, gấp 3,6 lần trước đó, dân số Thủ đô tăng 80%, từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Đồ án lớn, nguồn vốn lớn

Theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội là một trong những thành phố đa chức năng, không chỉ là Thủ đô, trung tâm hành chính kinh tế, mà còn là trung tâm khoa học kỹ thuật, trung tâm đào tạo, đầu mối giao thương của trong nước và với quốc tế.

Hà Nội trước mở rộng chỉ có diện tích chưa đầy 1.000 km2. Trong khi đó, quá trình đô thị hoá đã đặt Thủ đô đứng trước áp lực rất lớn để phát triển. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để một đô thị đa chức năng như vậy có thể phát triển toàn diện với một diện tích quá bé nhỏ như vậy.

Do đó, yêu cầu tất yếu là phải tính toán để Thủ đô Hà Nội có điều kiện mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Khi nghiên cứu quy hoạch Thủ đô, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã quan tâm đến ý tưởng chung đến 2030, tầm nhìn 2050 là phát triển Hà Nội xanh, văn hiến và văn minh hiện đại. Đây là ý tưởng xuyên suốt quy hoạch của thành phố.

Trong đó, muốn phát triển bền vững, lưu giữ các nét đẹp văn hiến của khu vực trung tâm thành phố, yêu cầu tất yếu là phải thực hiện dãn dân ra khỏi khu vực nội đô để khu trung tâm có đầy đủ điều kiện phát triển với giao thông công cộng, hạ tầng xã hội được bảo đảm, không phát triển quá mức dẫn đến phá vỡ hình hài của đô thị trung tâm.

"Vì thế, trong quy hoạch, chúng tôi đã nghiên cứu phát triển 5 đô thị vệ tinh, 2 đô thị sinh thái, xây dựng được hệ thống giao thông đô thị kết nối toàn bộ khu vực trung tâm với các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai 2, 3, 4, 5 của thành phố kết nối với toàn vùng phía Bắc và với quốc tế", ông Trần Ngọc Chính cho biết.

Sau 10 năm, Tp. Hà Nội đã phần nào làm được những gì đặt ra trong quy hoạch phát triển nhờ những nỗ lực rất lớn, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân.

Tuy nhiên, đây là một đồ án quy hoạch đô thị rất lớn, đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn để triển khai, cùng với đó là những chính sách, quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển và bộ máy quản lý tốt.

Một số dự án nằm tại các khu vực được sáp nhập vào Hà Nội vẫn bị bỏ hoang

Nguy cơ băm nát quy hoạch

Một số chuyên gia cho rằng quy hoạch lớn đặt ra nguồn vốn lớn. Trong khi đó, hiện nay ngân sách còn hạn chế, Chính phủ còn rất nhiều việc cần phải làm, do đó, nguồn vốn để quy hoạch Thủ đô vẫn ở khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển.

Tiếp đến là vấn đề quy hoạch. Việc di chuyển các trường đại học, các cơ quan bộ ngành, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô là việc làm rất quan trọng. Trong tương lai, Hà Nội sẽ phải có các trường đại học, các bệnh viện lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn chưa làm được điều này, Hà Nội mới chỉ làm được một phần tạo nền móng, thêm nữa, Hà Nội còn phải đối mặt trong hành trình đầu tư phát triển những vấn đề như quy hoạch treo, dự án treo, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất sạch cho các dự án nhà ở xã hội, ùn tắc giao thông hay khủng hoảng thiếu các phương tiện giao thông công cộng, tình trạng ngập lụt trên diện rộng…

Ông Trần Ngọc Chính cho rằng ngay cả việc di chuyển 21 bộ ngành có liên quan ra khỏi nội thành, nhằm tạo chỗ làm việc khang trang hơn hiện vẫn đang triển khai thực hiện, song kết quả chưa được là bao so với nhu cầu thực tế.

Theo quy hoạch, sau khi di chuyển các cơ quan đoàn thể ra khỏi nội đô tạo điều kiện cho khu vực nội đô phát triển bền vững. Tuy nhiên, do lợi thế "đất vàng", không ít khu vực đã được các nhà đầu tư vào xây dựng dự án bất động sản. Kết quả là nhiều trường hợp xây dựng dự án bất động sản làm gia tăng mật đô dân cư, phá vỡ quy hoạch đô thị chung.

Đơn cử như khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Đây là khu đô thị mới của thành phố, song những yếu kém trong quản lý đã khiến khu đô thị này không được như trước đây, làm nát vụn quy hoạch, quá tải hạ tầng, ảnh hưởng xấu đến toàn khu đô thị và không gian, cảnh quan của thành phố.

Vấn đề này – cần quay lại câu chuyện của 10 năm trước đã đặt ra bài toán quy hoạch – chỉ có thể giải quyết bằng việc thực hiện nghiêm túc các bộ luật về quản lý phát triển xây dựng theo quy hoạch.

"Chỉ có thế, chúng ta mới ngăn chặn được những nguy cơ về của "đô thị đầu to", "đô thị nén" trong tương lai… Mà điều này – 10 năm trước – khi 93% đại biểu Quốc hội giơ lá phiếu tán thành mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, chính các đại biểu đã từng thẳng thắn cảnh báo nó trên bàn nghị sự!", ông Trần Ngọc Chính nói.

Minh Trang (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.