27/11/2019 7:46 AM
CafeLand - UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về đề án giãn dân phố cổ.

Về hồ sơ dự án, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thiện gửi Sở Xây dựng thẩm định dự án đầu tư. Sở Xây dựng đã có văn bản về việc thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh dự án.

Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Xây dựng có hai báo cáo, đề nghị UBND thành phố xem xét và phê duyệt điều chỉnh cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.

Liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, UBND quận Hoàn Kiếm đã có tờ trình gửi kèm hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngày 26/4/2019, sở này đã có văn bản trả lời về đề nghị trên, trong đó đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm lấy ý kiến của Sở Xây dựng về việc rà soát cơ chế đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Dự án di dân phố cổ được UBND TP. Hà Nội khởi động từ năm 1998, với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Giai đoạn 1 triển khai di dời 1.530 hộ dân, bắt đầu từ quý 4/2013 và hoàn thành vào quý 4/2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị (KĐT) Việt Hưng, quận Long Biên.

Giai đoạn 2 sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi giai đoạn 1 kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, KĐT dành cho giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng vẫn chưa được khởi công.

Tháng 1/2015, quận Hoàn Kiếm họp báo công bố sẽ khởi công khu nhà ở giãn dân và hoàn thành vào cuối năm 2017. Quận cũng lên kế hoạch di dời trong giai đoạn một của dự án với trên 500 hộ gồm: người dân sống trong di tích (hơn 46 hộ); trong công sở (21 hộ); trường học (13 hộ).

Ngoài ra, gần 6.000 nhân khẩu đang sống trong các căn hộ có giá trị, giá trị đặc biệt, biển số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm, chung cư sở hữu tư nhân cũng nằm trong kế hoạch giãn dân đợt một. Tuy nhiên, khu nhà ở giãn dân vẫn chưa được khởi công.

Trả lời cử tri về việc chậm trễ trong thực hiện đề án giãn dân phố cổ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính, dính đến sai phạm - lừa đảo, đã bị cơ quan pháp luật khởi tố.

Vào tháng 7 vừa qua, trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội cho biết đã giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án di dời dân phố cổ trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ.

Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.

Ngoài ra, Hà Nội cũng giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ (dự kiến quý 4/2019).

Phía UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ưu tiên di dời các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp, tại các di tích, trường học, cơ quan - công sở nhà nước đi trước. Dự kiến vào quý 4/2019 sẽ hoàn thành các phương án triển khai.

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện quận đang trình thành phố phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án, dự kiến triển khai KĐT giãn dân Việt Hưng trong năm 2019.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.