Do đó, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ do thiếu quỹ nhà TĐC để phục vụ công tác GPMB.
Trong khi đó, dự tính tổng số vốn để xây dựng nhà tái định cư của Hà Nội là hơn 46.000 tỷ đồng. Những thực tế này, đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác GPMB các công trình, dự án và việc ổn định đời sống của người dân trong diện phải thu hồi đất; ảnh hưởng không nhỏ đến việc tốc độ phát triển hạ tầng của Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, một số dự án lớn đến nay vẫn chưa cân đối được quỹ nhà TĐC, gồm dự án đường Vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; dự án đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn - quận Tây Hồ; dự án đường Tam Trinh - Lĩnh Nam. Các dự án này cần khoảng 4900 căn hộ để ổn định nhà ở cho những hộ dân phải di dời cho dự án.
Sở Xây dựng kiến nghị, đối với quỹ đất 20% được giữ nguyên mục đích sử dụng để xây dựng nhà TĐC và nhà ở xã hội theo quy định. Trường hợp những quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án mà theo tiến độ thực hiện chậm hơn 12 tháng chưa sử dụng, Sở Xây dựng đề nghị TP cho phép điều chỉnh sang dự án khác có nhu cầu cần ngay quỹ nhà TĐC.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát tổng quỹ nhà, đất phục vụ nhu cầu của năm 2012 và cho 5 năm tới; rà soát các khu đất đã có quy hoạch để tổ chức xây dựng ngay. Đơn vị nào yếu về năng lực, chậm triển khai sau 12 tháng kể từ ngày được giao đất phải thu hồi, giao cho đơn vị khác thực hiện…
Trong khi đó, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương mua lại một số lượng căn hộ của các DN có giá phù hợp để làm nhà tái định cư theo hướng không lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp để ép giá. Tại Hà Nội, kế hoạch này chưa được nhắc đến. Theo thống kê của CBRE, hiện Hà Nội còn khoảng hơn 16.000 căn hộ chưa bán được và năm 2012 sẽ có thêm 22.000 căn mới sắp tung ra thị trường.
Nếu các doanh nghiệp BĐS đang ế hàng có thể tiêu thụ được số căn hộ cho chương trình TĐC, thì vừa giúp DN thu hồi vốn, chương trình nhà TĐC cũng nhanh chóng giải quyết được vấn đề.