Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hơn 2 năm qua, thành phố đã hoàn thành hơn 8.000 căn nhà cho công nhân thuê, với giá cho thuê 29.000 đồng/m2/tháng; hoàn thành 181.000m2 nhà ở xã hội, trong đó có nhiều công nhân mua nhà theo giá Chính phủ quy định.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành hơn 8.200 nhà ở cho người có công vào ngày 27/7/2017.
“Theo kế hoạch, thành phố tiếp tục xây 2,8 triệu m2 nhà ở theo thiết chế công đoàn cho công nhân thu nhập thấp, đồng thời xây dựng theo kế hoạch trên quỹ đất 2% của khu đô thị, phấn đấu có nhà ở xã hội với giá 200 triệu đồng/căn để bán cho công nhân vào năm 2019”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Hiện nay, TP. Hà Nội có 41 dự án nhà ở xã hội đang thi công, đến năm 2019-2020 sẽ có 3,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho các đối tượng.
Ảnh minh hoạ.
Trước đó, tại họp báo thông tin về Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đang tiến hành xây dựng 50 thiết chế công đoàn với 50.000 căn hộ cho công nhân có giá bán chỉ từ 150 triệu đồng/căn hộ.
Mỗi một thiết chế công đoàn sẽ có khoảng 1.000 căn hộ từ 30-45m2 được xây dựng đồng bộ để khi bàn giao cho công nhân gắn liền với các công trình dịch vụ như nhà trẻ, siêu thị… 50 thiết chế công đoàn sẽ gắn liền với 50.000 căn hộ, 50 nhà trẻ, siêu thị, nhà đa năng… tại 50 khu công nghiệp, chế xuất.
Đến nay, đã có 20 tỉnh được cấp đất xây dựng thiết chế công đoàn, việc cấp đất được các địa phương ủng hộ. 30 địa phương còn lại đang tích cực làm việc để sớm có đất đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn.
Đây có thể được xem là tin vui cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bởi hiện nay, nhu cầu nhà ở của công nhân đang rất lớn.
Hiện cả nước hiện có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, thị trường mới đáp ứng được 8 – 10% nhu cầu. Một bộ phận lớn công nhân đang phải sống tạm bợ trong các khu trọ chật hẹp, ẩm thấp, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như năng suất lao động.
Do đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ đặt trọng tâm trong Chiến lược phát triển Nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
-
Hà Nội: Nghịch cảnh hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội, tái định cư bị bỏ hoang
Trong khi nhiều người dân tại Thủ đô Hà Nội đang phải sống trong cảnh chật chội, thiếu đất, thiếu nhà, quỹ nhà giá rẻ luôn trong tình trạng “khan hiếm” thì ngay giữa Thủ đô lại tồn tại “nghịch cảnh” ký túc xá được đầu tư nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên, hoặc có những khu cả trăm căn hộ tái định cư bỏ hoang không có người đến ở.