CafeLand - UBND TP.Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của cử tri về dự án khu đô thị An Dương liên quan đến khu dân cư số 7 và 8 phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Cử tri đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết những tồn đọng của dự án để những hộ dân nằm trong dự án ổn định cuộc sống.

Về việc này, UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 914 thu hồi 13.970m2 đất (trong đó 8.400m2 đất do UBND quận Tây Hồ quản lý, 5.570m2 đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng) giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC thực hiện dự án tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Tuy nhiên, dự án qua nhiều năm mới triển khai được một phần do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và năng lực chủ đầu tư.

UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giải quyết các nội dung vướng mắc của dự án, yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo quyết định số 914 ngày 28/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã GPMB, diện tích đất chưa GPMB, diện tích đất hồ bị lấn chiếm.

Đối với diện tích đất đã GPMB, Hà Nội giao Công ty TNHH IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Đối với diện tích đất chưa GPMB, giao UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch.

Diện tích phù hợp quy hoạch đất ở thì xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. Phần diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng phục vụ khu dân cư thì thu hồi, hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu vực, yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.

Dự án Khu đô thị An Dương đã bị treo hơn 2 thập kỷ.

Đối với diện tích đất do các hộ gia đình lấn chiếm hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định Luật Đất đai.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND Thành phố, các sở ngành đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ, UBND phường Yên Phụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để cấp Giấy phép quy hoạch số 6388/GPQH ngày 19/10/2018 trên phần diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC và chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 kèm theo các yêu cầu tại văn bản số 7391/QHKT-TMB(P2) ngày 29/11/2018 để chủ đầu tư hoàn thiện, chỉnh trang Khu nhà ở tại khu vực hồ An Dương thuộc các khu đất nằm trong ranh giới đất đã được giao theo Quyết định số 914.

Cụ thể, diện tích đất nghiên cứu gần 0,66ha, trong đó đất đã sử dụng xây dựng công trình nhà ở hiện trạng có diện tích khoảng 0,29ha giữ nguyên theo hiện trạng; đất đã giao đề xuất làm đất ở mới có diện tích khoảng 962,19m2; đất đã giao, đất trống, xen kẹt chỉnh trang diện tích khoảng 378,89m2; đất giao thông nội bộ, sân chơi chung gần 0,22ha.

Tổng diện tích xây dựng công trình đối với các khu đất ở mới xấp xỉ 893,78m2.

Quyết định của Thủ tướng CP về việc giao đất của IDC xây dựng dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Theo tìm hiểu, Dự án nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương của Công ty phát triển đầu tư xây dựng, sau đổi tên thành Công ty TNHH Xây dựng IDC - gọi tắt là IDC làm chủ đầu tư là dự án xã hội hóa đầu tiên của Thủ đô.

Vào những năm 1990, nền kinh tế mới bước sang cơ thế thị trường còn nhiều khó khăn bất ổn, Nhà nước không có vốn đầu tư, phải kêu gọi huy động đầu tư từ nhân dân. Theo đó, Công ty IDC được giao thực hiện hạng mục san lấp Hồ An Dương theo giấy phép sử dụng đất số 2705UBXDCB và hồ sơ mốc địa giới ngày 22/2/1992.

Thời điểm trước năm 1990, dải đất thuộc hồ An Dương (diện tích 8.400m2) bị bỏ hoang từ lâu, thuộc quyền quản lý của UBND quận Ba Đình (sau đó thuộc quận Tây Hồ), là nơi chứa rác thải và đổ rác của các hộ dân khu vực quanh hồ, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết thực trạng này, UBND quận Ba Đình đã đề nghị TP. Hà Nội cho phép quận được sử dụng dải đất hồ này, san lấp tạo mặt bằng, xây dựng nhà ở thấp tầng.Ngày 4/6/1990, Hà Nội chấp thuận để quận Ba Đình được phép san lấp hồ An Dương, kèm theo quy hoạch được phê duyệt tỷ lệ 1/500.

Từ chủ trương này, IDC xây dựng phương án làm chủ đầu tư thực hiện dự án, có trách nhiệm trích nộp 20% lợi nhuận vào ngân sách quận Ba Đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị treo qua “hai thế kỷ”, đồng thời khiến IDC rơi vào thảm cảnh nợ nần.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.