Những căn nhà bỏ hoang trở thành nơi tụ tập của con nghiện
Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Bị “bỏ rơi”
Năm 2002, dự án mở rộng Khu hành chính cảng Kỳ Hà đi vào thực hiện, do BQL Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư, 54 hộ dân bị ảnh hưởng ở tổ 1 (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) tưởng rằng sẽ được bố trí tái định cư một nơi tốt hơn, giúp họ có thể an cư lạc nghiệp. Sau khi tiến hành đo đạc, kiểm kê đất đai, nhà cửa và áp giá đền bù thì chỉ có gần một nửa trong số hộ được giải tỏa. Gần 30 hộ dân còn lại mỏi mòn chờ suốt hơn 15 năm nay mà không hề có động thái gì.
Ông Dương Đài (45 tuổi, ở tổ 1) cho biết nhà cửa rệu rạo, tường bị nứt nẻ dễ đổ sập, nhất là khi mưa bão, nhưng bao năm qua vẫn không thể sửa chữa vì vướng quy hoạch.
“Người dân muốn có một câu trả lời dứt khoát, dự án có tiến hành hay không, nếu không thì để dân còn tính chuyện tu sửa, cơi nới, xây mới nhà cửa. Chứ giờ phải sống cảnh khổ cực, đi không được ở không xong. Chúng tôi rất nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng mãi vẫn chưa được giải quyết. Phải chờ đợi đến bao giờ đây?”, ông Đài bức xúc.
Ông Lâm Văn Hùng (64 tuổi), tổ trưởng tổ 1, cho hay dự án treo ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của dân. Ruộng vườn bị thu hồi, đất đai không có để sản xuất. Những căn nhà bỏ hoang của các hộ dân đã di dời trở thành địa điểm hút chích cho những con nghiện từ khắp nơi đổ về, khiến đời sống trong khu dân cư không còn được an toàn. Gần 30 hộ dân còn lại chờ đợi để được giải tỏa nhưng mãi cũng chẳng thấy, đành phải sống xen kẽ giữa những ngôi nhà hoang.
“Chúng tôi như bị “bỏ rơi” vì ngần ấy thời gian chính quyền không đầu tư một công trình dân sinh nào để phục vụ đời sống của người dân”, ông Hùng nói.
Thiếu kinh phí
Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Thị Mỹ Dung, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà quy hoạch có 54 hộ dân bị ảnh hưởng, nằm trong diện di dời. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới di dời và tái định cư cho 26 hộ. Dự án đang triển khai thì dừng lại khiến 28 hộ dân còn lại vẫn sống nơi ở cũ. Địa phương rất nhiều lần kiến nghị tại những cuộc họp HĐND huyện và tỉnh nhưng đến nay vẫn vậy.
“Việc phải sống trên đất dự án gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Những chính sách liên quan đến dân sinh thì người dân không được hưởng. Chúng tôi đã kiến nghị yêu cầu BQL Khu kinh tế mở Chu Lai là giải tỏa luôn các hộ dân còn lại, nếu không xây dựng dự án này thì có thể tiến hành đầu tư dự án khác. Cần phải có một cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người dân, để họ còn được hưởng chế độ chính sách như các hộ khác”, bà Dung nói.
Ông Lê Vũ Thương, Phó trưởng BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, cho hay dự án mở rộng Khu hành chính cảng Kỳ Hà có diện tích 24 ha với số vốn đầu tư 56 tỉ đồng. Sau khi tiến hành đền bù cho 26 hộ dân thì không thể triển khai tiếp, đến năm 2016 đã tiến hành quyết toán. Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, nguyên nhân dừng lại là do thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Riêng khu vực này ban cũng đã đề xuất UBND tỉnh QGGGuảng Nam cho lập một số phân khu, bởi đây là khu vực chiến lược quan trọng. Hiện chúng tôi đang lập dự án phân khu và sẽ đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn hoặc nếu có nhà đầu tư thì yêu cầu ứng kinh phí đền bù cho người dân nhằm giải phóng mặt bằng trước trong năm nay”, ông Thương nói.