Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo danh sách gần 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư (TĐC) trên địa bàn nhưng chưa liên hệ với Ban Quản lý Các công trình nhà ở và công sở (Ban Quản lý) ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.
Ngao ngán bỏ đi
Sở Xây dựng cho biết trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức (ngày 13-8), những hộ có tên trong danh sách vẫn không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà thì sẽ được tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu chung cư OCT Bắc Linh Đàm - một trong những điểm TĐC - đã xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc và rong rêu khắp nơi; hệ thống PCCC han gỉ, không có vòi chữa cháy.
Chị Huyền, bán nước gần đó, cho biết khu nhà này xây dựng đã 3 năm nhưng một tháng qua mới có khoảng hơn chục gia đình đến nhận nhà. Hiện chỉ có một nhân viên bảo vệ và ở đây chưa có ban quản lý tòa nhà. "Nhiều người đến định nhận nhà nhưng thấy không có hệ thống cứu hỏa, bụi bặm nên ngao ngán bỏ đi. Có người đến ở rồi mà không khác gì khu nhà hoang" - chị Huyền nói.
Đáng chú ý, tình trạng nhà TĐC xây dựng xong nhưng không có người ở phải bỏ hoang như thế này không phải cá biệt tại Hà Nội. Trước đó, năm 2017, Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO 3) đề xuất TP Hà Nội cho phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà TĐC thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) đã xây xong cách đây hơn 10 năm, do người dân không nhận nhà.
Chung cư OCT Bắc Linh Đàm
Còn nhiều bất cập
Về nguyên nhân người dân không đến nhận nhà TĐC, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện nên dân chưa nhận nhà TĐC, cùng với một số nguyên nhân khách quan khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), phân tích thêm là theo quy định phải có nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển người dân để giải phóng mặt bằng. Do vậy, việc làm trước các khu nhà TĐC cho người dân là tốt. "Tuy nhiên, thực tế chính quyền làm khu TĐC hiện nay còn nhiều bất cập, ví dụ dân ở quận Tây Hồ nhưng bố trí TĐC tận quận Hoàng Mai nên đi làm, đi học vài chục ki-lô-mét mới tới nơi. Ngoài ra, khu TĐC ở nơi không chợ búa, trường trạm nên người dân không nhận hoặc có nhận thì cũng không ở" - ông Hà phân tích.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, chính sách đền bù TĐC hiện không còn phù hợp. Hiện Luật Nhà ở cần thực hiện theo hướng tiến tới thị trường hóa lĩnh vực TĐC, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.
"Để làm được việc này phải có chính sách linh hoạt, như có thể giới thiệu các dự án chung cư thương mại rồi thỏa thuận đền bù hợp lý cho người dân. Ngoài ra, chính quyền có thể dành quỹ đất TĐC ở chính khu vực quận giải phóng mặt bằng giúp người dân không biến động quá nhiều trong cuộc sống" - ông Hà nhấn mạnh.
Không chỉ khu chung cư OCT Bắc Linh Đàm, thực trạng nhà TĐC hư hỏng, xuống cấp kéo dài không được sửa chữa còn xảy ra ở nhiều khu TĐC trên địa bàn TP Hà Nội như: Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân); Đồng Tầu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai), khu TĐC Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)... Phần lớn những chung cư này hiện tường đã bong tróc, sụt lún và hệ thống PCCC đều có vấn đề.