Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, đến cuối tháng 3, trên địa bàn còn 31 chung cư chưa khắc phục xong hệ thống PCCC, trong đó có đến 15 chung cư khó có khả năng khắc phục. Bên cạnh đó, có 3 công trình ở quận Hà Đông cố tình chây ì không khắc phục tồn tại về PCCC: Chung cư CT4 Văn Khê do Công ty CP Sông Đà 1 làm chủ đầu tư; công trình chung cư CT5 AB Văn Khê và CT6 Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư. Cảnh sát PCCC đã chuyển hồ sơ liên quan đến 3 công trình này cho Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội xem xét, điều tra xử lý.
Ngừng cấp điện, nước
Nhằm siết chặt công tác quản lý PCCC tại các công trình cao tầng cũng như nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết đơn vị đã đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng không cấp điện, nước cho các công trình không bảo đảm về PCCC.
Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) là nơi có nhiều chung cư vi phạm về PCCC Ảnh: MINH CHIẾN
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp điện, nước phối hợp với UBND quận, huyện, Cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra các công trình vi phạm, căn cứ kết luận của đoàn kiểm tra để xử lý theo quy định; trong đó có việc xem xét ngừng cấp điện, nước. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng khi công trình chưa được cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản nghiệm thu chất lượng công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.
Quản lý phòng cháy bằng… bảo hiểm
Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-4 tới đây được kỳ vọng sẽ siết chặt công tác quản lý PCCC ở chung cư. Theo đó, tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Nghị định nêu rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp công trình chưa nghiệm thu PCCC, không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC, biên bản kiểm tra đã quá hạn 1 năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay tại hầu hết các chung cư ở Hà Nội, chủ đầu tư chỉ mua bảo hiểm cháy buộc cho phần xây dựng, tức phần khung của tòa nhà, còn phần diện tích trong khu nhà thì người dân phải tự mua. Tuy nhiên, có ít người mua bảo hiểm cho phần sở hữu riêng (căn hộ - PV).
Luật sư Bùi Đình Ứng (Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định khi Nghị định có hiệu lực, UBND cấp xã/huyện/tỉnh và cảnh sát PCCC trong quá trình kiểm tra PCCC định kỳ đều có thẩm quyền kiểm tra những đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Nếu phát hiện vi phạm, trong thẩm quyền của mình, các cơ quan trên có quyền lập biên bản xử phạt hành chính. Mức phạt được quy định từ 20-30 triệu đồng.